Xử lý nghiêm vi phạm quy định cách ly

- Thứ Hai, 17/05/2021, 05:01 - Chia sẻ
Sau 20 ngày cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng (Bình Dương), 386 công dân Việt Nam về từ Hàn Quốc được lấy mẫu xét nghiệm lần cuối để xác nhận hoàn thành cách ly theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình xét nghiệm, cơ quan y tế phát hiện 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nên có một số người phải gia hạn thời gian cách ly để bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Thay vì tuân thủ nghiêm yêu cầu gia hạn cách ly, khoảng 10 người bày tỏ thái độ bất hợp tác, không thực hiện quy định, như tụ tập từng nhóm, không đeo khẩu trang, đi từ phòng này sang phòng khác. Cán bộ y tế đã động viên, nhắc nhở, nhưng những người này cố tình không chấp hành, có hành vi chống đối, gây rối. Do đó, Ban điều hành khu cách ly đã lên danh sách, lập biên bản chuyển cơ quan chức năng yêu cầu xử lý 10 trường hợp chống đối này.

Tính đến 18h ngày 16.5, Việt Nam có tổng cộng 2.709 ca ghi nhận trong nước và 1.466 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.4 đến nay là 1.139 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 104.077 người. Như vậy, hiện cả nước có hơn 100 nghìn người trong các khu cách ly để theo dõi tình hình sức khỏe. Khu cách ly cũng là “chốt” rất quan trọng để kiểm soát nguồn lây lan dịch bệnh. 

Khu cách ly tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch rất cao. Chỉ cần buông lỏng quản lý, một chút chủ quan, lơ là của những người phải cách ly, của nhân viên y tế cũng có thể biến khu cách ly thành ổ dịch lớn khó kiểm soát. Tình trạng lây nhiễm xảy ra trong khu cách ly ở Hải Dương là bài học nhãn tiền mà chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Do đó, việc tuân thủ quy định về cách ly không chỉ đặt ra đối với cán bộ y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong quá trình cách ly.

Bất kể vì nguyên nhân gì, cá nhân thuộc đối tượng phải cách ly nhưng chống đối, coi thường không tuân thủ đúng yêu cầu về phòng, chống dịch đều phải xử lý nghiêm minh để răn đe.

Hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch đã có nhiều hình thức xử lý, tùy thuộc vào mức độ vi phạm trong từng trường hợp cụ thể. Điều 11, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định rất rõ, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người có hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Không chỉ bị xử phạt hành chính, đối với người thuộc đối tượng phải cách ly nhưng có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng có thể bị xem xét xử lý theo Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015. Người có hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch tại khu vực cách ly không thiếu cả về hành chính và chế tài hình sự. Trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch, gánh nặng đang đè lên vai nhân viên y tế, việc xử lý người vi phạm các quy định phòng, chống dịch cần phải nghiêm khắc. Không chỉ vì sự coi thường phòng, chống dịch của một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến nỗ lực của cả cộng đồng.

Lê Hùng