Xử lý ngay nơi nào còn “giấy phép con”

- Chủ Nhật, 29/08/2021, 14:41 - Chia sẻ
Trước việc các lái xe dù đã có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ và giấy bảo lãnh của doanh nghiệp tại Gia Lai để giao hàng… nhưng lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cầu 110 km 1667+630 đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn kiên quyết không cho phương tiện đi vào địa bàn với quy định riêng như “giấy phép con” Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Gia Lai đề nghị tỉnh này có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông thuận lợi khi qua địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra y tế đối với một trường hợp xe vận chuyển hàng hóa tại Chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 1, đoạn qua cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải

Việc thông xe gặp khó vì tỉnh Gia Lai yêu cầu: những nơi không có Chỉ thị 16 xe luồng xanh và lái xe có đủ điều kiện theo quy định vẫn lưu thông bình thường. Nhưng với xe và lái xe từ những nơi thuộc Chỉ thị 16 thì phải đổi lái xe, sử dụng lái xe của Gia Lai hoặc sang hàng thì mới cho chạy vào và phải có giấy phép.

Trước tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, các địa phương có phương án kiểm soát chặt chẽ để tránh lây lan dịch bệnh là điều là điều rất cần thiết. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc địa phương có những quy định cực đoan, chặt một cách thái quá gây khó cho các phương tiện vận chuyển lưu thông hàng hóa, trong đó có hàng hóa phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đi qua địa phương mình.

Thực tế đã có những quy định về vận chuyển hàng hóa, quy định về xe “luồng xanh” nhưng đáng tiếc là vẫn có địa phương hiểu chưa thống nhất. Chính sự bất nhất này mới xảy ra tình trạng mỗi nơi quy định siết một kiểu gây khó cho tài xế xe "luồng xanh". Cho đến thời điểm này, đã có tới 8 địa phương có các quy định gây ảnh hưởng đến lưu thông vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ. Trong đó có TP. Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang và Bạc Liêu… Những địa phương này có quy định chưa thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công thương, gây ảnh hưởng đến lưu thông vận chuyển hàng hóa trên tuyến quốc lộ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, chống dịch nhưng không được cực đoan gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng

Trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, quyết liệt chống dịch nhưng không được áp dụng các biện pháp thái quá, cực đoan, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bà Thủy cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh mốt số địa phương rất sáng tạo trong chống dịch, thì cũng có một số địa phương “ngăn sông, cấm chợ”, một số tỉnh không cho "thông quan" hàng hóa, mỗi nơi đưa ra một kiểu quy định... “Vấn đề hiện nay là chống dịch nhưng không được cực đoan gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng”, bà Thủy nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán Giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.

Trong nội dung Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, một lần nữa Thủ tướng lại nhấn mạnh đến vai trò của các bộ, ngành, địa phương phối hợp để thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Câu hỏi đặt ra là, Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể về vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về giấy xét nghiệm âm tính, Bộ Công thương có quy định về lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản đề nghị các địa phương bãi bỏ văn bản gây cản trở lưu thông hàng hóa nhưng tại sao vẫn còn tình trạng mỗi nơi “siết” một kiểu? Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” này bao giờ mới chấm dứt?.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần thay việc điểm tên các địa phương ban hành quy định không phù hợp để nhắc nhở bởi một cơ chế xử lý trách nhiệm cụ thể, nghiêm khắc đối với những cá nhân, địa phương để xảy ra tình trạng ban hành các quy định gây khó cho lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, mỗi nơi làm một kiểu như đã từng xảy ra.

Hà An