Đầu năm 2018, Quốc hội Singapore đã thành lập Ủy ban đặc biệt chịu trách nhiệm nghiên cứu và trình cơ quan lập pháp nước này dự luật mới nhằm chống tình trạng lan truyền “những thông tin trực tuyến sai lệch có chủ đích”. Hướng đi của dự luật là đưa ra các quy định, quy chuẩn đối với các nền tảng trực tuyến để theo dõi và gỡ tin giả, có động thái với thủ phạm cung cấp tin giả… Ủy ban đặc biệt phụ trách tin giả sẽ tìm hiểu, tham vấn người dân, tham khảo ý kiến chuyên gia, sau đó tập hợp lại để làm đề xuất trình Quốc hội.
Trong khi đó, tháng 8 năm ngoái, Malaysia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hủy bỏ Luật Chống tin giả sau khi luật này được áp dụng trong tháng 3.2018. Luật được thông qua dưới thời Chính quyền của Thủ tướng Najib Razak nhằm nghiêm cấm hành động tạo ra, in ấn, xuất bản hoặc phổ biến tin tức giả mạo. Những đối tượng vi phạm sẽ phải đối mặt với bản án 6 năm tù giam và phạt tiền mặt lên tới 130.000 USD. Tuy nhiên, Luật này bị các nhà hoạt động nhân quyền và nhà ủng hộ tự do thông tin phản đối. Việc hủy bỏ luật này từng là một cam kết trong giai đoạn tranh cử của đảng đối lập do chính trị gia 93 tuổi Mahathir Mohamad lãnh đạo. Bản thân ông Mahathir từng bị điều tra theo luật này ngay trước thềm cuộc bầu cử hồi tháng 5.2018 khi ông cáo buộc những người làm việc cho chính quyền của ông Najib đã cố tình phá hoại máy bay của ông để ngăn không cho ông ứng cử. Sau khi bãi bỏ luật này, cảnh sát Malaysia sẽ được trao thêm những quyền mới để giải quyết tình trạng phát tán tin giả.
Chống tin giả |
Quyết định của Chính phủ Malaysia đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các tổ chức tự do ngôn luận. Ông Teddy Brawner Baguilat, thành viên Hội đồng Nghị viện ASEAN tuyên bố, quyết định này là “bước tiến lớn cho nhân quyền ở Malaysia. Đây là bộ luật để ngăn cản những lời chỉ trích nhằm vào chính quyền và dập tắt các cuộc tranh luận công khai. Từ đầu nó đã không nên được thông qua”.
Cũng trong năm ngoái, Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua 2 dự luật nhằm ngăn chặn hoạt động gieo rắc tin giả mạo trong các chiến dịch tranh cử. Dự luật cho phép ứng viên hoặc đảng chính trị đệ đơn kiện lên tòa nhằm ngăn chặn hoạt động phát tán tin giả mạo trong vòng 3 tháng trước thềm cuộc bầu cử. Cơ quan quản lý truyền thông Pháp cũng có quyền cấm phát sóng bất kỳ kênh truyền hình nào “bị nước ngoài kiểm soát hoặc chi phối” gieo rắc thông tin sai lệch gây ảnh hưởng bầu cử. Dự luật còn lại buộc các công ty mạng xã hội như Facebook và Twitter công bố danh tính cá nhân, công ty tài trợ quảng cáo.
Ngày 16.7.2018, Quốc hội Ai Cập cũng đã thông qua dự luật cho phép giới chức nước này giám sát hoạt động sử dụng mạng truyền thông xã hội trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống tin tức giả. Nhận được sự ủng hộ của 2/3 trong tổng số 596 nghị sĩ, dự luật mới về chống tin tức giả của Ai Cập quy định các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội có hơn 5.000 người theo dõi có thể chịu sự giám sát của Hội đồng Tối cao Ai Cập phụ trách các quy định truyền thông. Quy định này có hiệu lực đối với tất cả các trang thông tin điện tử, blog và tài khoản cá nhân.
Hội đồng tối cao nói trên được trao quyền chủ động trong việc tạm dừng hoặc khóa bất cứ tài khoản cá nhân nào “công bố và phát tán tin tức giả mạo hoặc những thông tin kích động bạo lực, hận thù hoặc vi phạm pháp luật”.