Xóa bỏ gánh nặng chứng chỉ

- Thứ Bảy, 20/03/2021, 08:18 - Chia sẻ
Hôm qua, 19.3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến về đề nghị của Bộ Nội vụ về hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 101/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Các bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2021. Có thể thấy, đây là sự lắng nghe cầu thị từ dư luận của Thủ tướng về những gánh nặng mang tên chứng chỉ.

Thời gian vừa qua, một số báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác có liên quan, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể, trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; loại chứng chỉ thuộc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là cần thiết đối với mỗi vị trí việc làm. Đơn cử, đối với người không tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng muốn tham gia giảng dạy thì phải qua lớp bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm thì mới được giảng dạy. Và trong trường hợp này, chứng chỉ bồi dưỡng sẽ giúp cho người ở vị trí việc làm đó có thêm kinh nghiệm, kiến thức mà bản thân người đó chưa được đào tạo. Tuy vậy, vẫn có những chứng chỉ có tính chất làm “đẹp” hồ sơ.

Dù là cần thiết song có những vị trí quy định về chứng chỉ đã trở thành “gánh nặng”. Nói là “gánh nặng”, bởi thực tế, có những vị trí việc làm, những chứng chỉ lại không hoàn toàn phục vụ cho công việc mà người đó đảm nhiệm. Đơn cử theo quy định Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ TT-TT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh biên tập viên, phóng viên có không ít bất cập. Để đáp ứng yêu cầu của thông tư này có những nhà báo có thâm niên nghề nghiệp cả chục năm, được trao nhiều giải thưởng báo chí vẫn phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đủ thủ tục chỉ vì không tốt nghiệp chuyên ngành báo chí… Những quy định không cần thiết này đang gây nên một sự lãng phí không hề nhỏ.

Nỗi khổ “chứng chỉ” đã nhiều lần nóng ở diễn đàn Quốc hội. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đã nêu lại vấn đề này đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Có rất nhiều cử tri theo dõi những kỳ họp trước, Bộ trưởng cho rằng sẽ sớm bỏ những chứng chỉ không cần thiết. Cử tri quan tâm, đến bao giờ thì việc này sẽ được bỏ, để cử tri không phải "thi nhau" đi học chứng chỉ?"

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ đều tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ. Đối với thi nâng ngạch, mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ, thì không cần phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong nghị định vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, viên chức.

Cần phải nhấn mạnh, chứng chỉ không có lỗi. Nhưng tùy vị trí việc làm để xem chứng chỉ ấy có thực sự cần thiết hay không. Yêu cầu của Thủ tướng đã có, các bộ cần khẩn trương rà soát, kiên quyết loại bỏ những chứng chỉ là gánh nặng thủ tục. Bởi xét đến cùng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là ở năng lực, chuyên môn thực tế, không chỉ nằm ở tờ chứng chỉ.

Song Hà