Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Xem xét thí điểm xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 18:50 - Chia sẻ
Chiều 24.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp trực tuyến, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày cho biết, việc ban hành Luật để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở kịp thời tạo cơ sở pháp lý để lực lượng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy; bảo đảm phù hợp và để thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 34 điều, với các nội dung cơ bản quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng việc xây dựng, kiện toàn lực lượng này là cần thiết, song đây là vấn đề lớn, tác động trực tiếp tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; liên quan đến công tác tổ chức, vị trí pháp lý; kinh phí, ngân sách bảo đảm; một số nhóm chính sách mới trong Luật chưa được Chính phủ đánh giá toàn diện. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm việc xây dựng lực lượng này trong một thời gian nhất định, tại một số địa phương để có thời gian tổng kết, đánh giá trước khi ban hành Luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Luật này vì cho rằng hiện nay đã thực hiện chính quy Công an xã, đã đảm nhiệm các nhiệm vụ của Công an xã bán chuyên trách khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực; lực lượng này chỉ có nhiệm vụ “tham gia” cùng lực lượng Công an. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định việc sử dụng Công an xã bán chuyên trách tham gia hoạt động này.

Có ý kiến đề nghị không ban hành Luật này vì cho rằng theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật Dân quân tự vệ thì đã có lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự nên việc xây dựng lực lượng này ở cơ sở sẽ chồng chéo nhiệm vụ.

Quang Khánh