Long An

Xây dựng thương hiệu, nâng tầm nông sản

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 16:05 - Chia sẻ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những chương trình quan trọng, góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như phát huy nội lực và gia tăng giá trị nông sản ở địa phương. Thời gian qua, tỉnh tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt chương trình; góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong trại nuôi ong lấy mật của anh Quang (thị trấn Thạnh Hóa, Thạnh Hóa, Long An)
Trong trại nuôi ong lấy mật của anh Quang (thị trấn Thạnh Hóa, Thạnh Hóa, Long An)
Nguồn: ITN

OCOP - cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới

Với mục tiêu phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, từ năm 2018, Long An đã triển khai chương trình OCOP. Đây là chương trình có ý nghĩa rất quan trọng với Long An khi ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại của tỉnh còn đang trong giai đoạn phát triển, thị trường tiêu thụ nhỏ, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng chưa được nhiều người biết đến, dẫn tới đầu ra chưa bảo đảm, giá trị sản phẩm không cao. Đặc biệt, Chương trình OCOP là cốt lõi trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới mà tỉnh đang thực hiện.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, thời gian qua, OCOP đã tạo động lực mới trong phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Long An. Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới. OCOP còn góp phần thu hút, phát triển du lịch, qua đó, nâng cao thu nhập và giá trị địa phương một cách thiết thực, hiệu quả.

Năm 2021, Sở đã phối hợp Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh tổ chức thẩm định, đánh giá, phân hạng nhiều sản phẩm OCOP theo các tiêu chí sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm... Đến nay, tỉnh có 26 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao và 8 sản phẩm đạt 3 sao, nhất là có 4 sản phẩm đủ tiêu chuẩn đang làm hồ sơ, thủ tục để trình Trung ương công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia đạt 5 sao.

Tại vùng Đồng Tháp Mười, tận dụng những cánh đồng tràm bạt ngàn ở đây, anh Bùi Minh Quang (thị trấn Thạnh Hóa, Thạnh Hóa) nuôi ong lấy mật. Sản phẩm ong mật tràm của anh Quang vừa được tỉnh Long An công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Với hơn 1.000 thùng ong, mỗi tháng, anh Quang thu được 2 tấn mật ong. Đây là cơ sở nuôi ong lấy mật có quy mô, bài bản nhất huyện Thạnh Hóa, có chất lượng tốt, giúp nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định, thu nhập tốt.

Tận dụng tài nguyên bản địa, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất PURE (huyện Thủ Thừa) đã cho ra đời sản phẩm “dầu tràm Con Yêu”, với 100% tinh dầu nguyên chất của cây tràm gió tại đất Long An. Sản phẩm này được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng 4 sao OCOP. Với trang thiết bị, máy móc hiện đại, cùng nguồn nhân lực hiện có, mỗi năm, Công ty cho ra thị trường khoảng 10.000 chai dầu tràm, loại 100ml/chai. Hiện nay, công suất tối đa của nhà máy có thể đạt đến 1 triệu chai/năm, nếu đủ nguồn nguyên liệu. 

OCOP đã tạo động lực mới trong phát triển nông sản của Long An. Nguồn: ITN
OCOP đã tạo động lực mới trong phát triển nông sản của Long An

Quan tâm, nâng cấp sản phẩm

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi triển khai chương trình OCOP, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức triển khai, thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về chương trình khó thực hiện; xúc tiến thương mại hầu như không triển khai được. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, giá nguyên phụ liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng, thiếu công nhân sản xuất. Bên cạnh đó. một số người dân chưa nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của chương trình, ngại làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để người dân tham gia chương trình OCOP…

Vì vậy, với vai trò là cơ quan tham mưu của chương trình, Sở tiếp tục đa dạng hóa các phương thức để làm tốt công tác xúc tiến thương mại từ hội chợ, triển lãm đến các sàn thương mại điện tử… Đồng thời, thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp hiểu đúng, đủ về Đề án OCOP của tỉnh; tuyên truyền để người dân biết và tham gia đề án. Mặt khác, áp dụng đồng bộ, thống nhất các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Đặc biệt, đưa nội dung thực hiện Đề án OCOP vào nghị quyết của cấp ủy để chỉ đạo thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của các cấp chính quyền. Xây dựng hệ thống đối tác hỗ trợ thực hiện Đề án OCOP như các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; viện, trường đại học, nhà khoa học; hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng, quỹ đầu tư; đài phát thanh, truyền hình; báo. Ngoài ra, tăng cường huy động nguồn lực, trong đó, nguồn lực lớn nhất là từ cộng đồng (tiền vốn, đất đai, sức lao động, công nghệ,...) và từ các tổ chức tín dụng.

Minh Nhật