Xây dựng thế hệ đọc tương lai

- Thứ Năm, 11/11/2021, 11:25 - Chia sẻ
Sáng tạo các không gian, hình thức, hoạt động đọc sách để kích thích nhu cầu đọc, kỹ năng đọc và thái độ ứng xử với tài liệu giúp cho hoạt động đọc của thanh thiếu niên khoa học, tiết kiệm thời gian, công sức, đạt hiệu quả cao trong hoạt động, nghiên cứu. Đây là những nội dung trọng tâm được bàn đến tại hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số”, sáng 11.11.

Hội thảo do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi thanh thiếu niên thời công nghệ số

Văn hóa đọc đang bị lấn lướt

Theo Trưởng phòng Công tác bạn đọc - Xây dựng phong trào, Thư viện TP. Cần Thơ Nguyễn Huỳnh Tuyết Linh, xu hướng đọc hiện nay của đại bộ phận học sinh, sinh viên ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. “Thanh thiếu niên - đối tượng chúng ta đang hướng tới xây dựng thế hệ đọc tương lai - có xu hướng đọc những truyện tranh với những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập, sách chữ… Xu hướng nghe - nhìn đang có phần lấn lướt văn hóa đọc. Thời gian dành cho lướt web, chơi game, xem phim của thanh thiếu niên tương đối cao, tới 55%”.

Tình trạng trẻ em chưa hoặc không thích đọc sách do một số rào cản. Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Đức cho rằng, trước hết là thay đổi trong cách tiếp nhận thông tin, như sự bùng nổ của truyền hình, internet, thiết bị nghe nhìn thông minh, mạng xã hội, làm thay đổi cách tiếp nhận thông tin của mọi người, đặc biệt ở trẻ em. “Thay vì lật, giở và tìm thông tin trên các trang giấy hoặc đến thư viện thì giờ đây là bấm, gõ và tìm kiếm trên internet. Trẻ có thể dành vài ba tiếng mỗi ngày để xem tivi, lướt web, truy cập các trang mạng xã hội nhưng rất khó khăn trong việc ngồi yên 30 phút để đọc sách”.

Trẻ chưa thích đọc sách còn vì thời gian dành cho vui chơi, giải trí của chúng ngày càng hạn hẹp; cha mẹ, người lớn không nêu gương; nhà trường chưa quan tâm nhiều đến hoạt động học của học sinh hay hệ thống thư viện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao và đa dạng của trẻ.

Mất thói quen đọc, khi lớn lên thanh thiếu niên sẽ gặp nhiều khó khăn trong tự học                                                                   
Nguồn: tieudung.vn

Hơn nữa, áp lực học ngày càng cao với trẻ em cũng là nguyên nhân dẫn đến sự eo hẹp thời gian cho việc đọc. “Thực tế rất nhiều phụ huynh có nhận thức sai lầm về đọc. Sự thực, đọc cũng là học và nó rất có ích cho sự phát triển tâm hồn, kiến thức cũng như kỹ năng xử lý thông tin. Phụ huynh thường nghiêng sang hướng bắt con làm bài tập về nhà mà không khuyến khích việc đọc. Vì vậy, trẻ ngày càng mất thói quen đọc và khi lớn lên sẽ gặp nhiều khó khăn trong tự học, tự đọc và tự nghiên cứu”, TS. Diêu Thị Lan Phương, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định.

Không “đóng gói theo cách truyền thống”

Trước những rào cản trong phát triển văn hóa đọc và thách thức của cuộc Cách mạng 4.0, việc tăng cường các hoạt động ý nghĩa bằng nhiều hình thức khác nhau, biến những thách thức thành cơ hội phát triển nhằm khơi gợi niềm đam mê đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc sách cần có sự chung tay, nỗ lực của các cấp, các ngành trong đó các thư viện và cơ quan thông tin phải là tuyến đầu.

Ông Bùi Xuân Đức cho biết, Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp thực hiện đa dạng hóa các hình thức kể chuyện đối với nhóm trẻ tiểu học để lôi kéo các em đến thư viện công cộng, đến với các hoạt động đọc sách.

“Việc tổ chức định kỳ và thường xuyên các buổi kể chuyện cho trẻ bằng cách mời các nhóm tình nguyện viên, cộng tác viên, phụ huynh, thầy cô giáo tham gia sẽ giúp các thư viện có thêm nguồn lực đa dạng, sự tươi mới, lôi kéo được một lượng độc giả mới từ chính những tình nguyện viên, cộng tác viên này”.

Xây dựng các hoạt động tuyên truyền về sách sẽ khơi gợi niềm đam mê đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc sách của thanh thiếu niên
Nguồn: baophutho.vn

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Vương Hương Giang đưa sáng kiến, có thể xây dựng một trang web đọc sách sinh động, phong phú và miễn phí cho học sinh. Đây cũng là kho học liệu mà giáo viên và học sinh có thể sử dụng trong quá trình dạy học.

Bà Giang đề xuất, trang web nên bao gồm những nội dung chính như sách giáo khoa, thư viện sách, sách nói, giới thiệu sách, kết nối cùng sách và phần cung cấp các bài viết, ý tưởng, sản phẩm lan tỏa văn hóa đọc đã đoạt giải để giúp học sinh thực hiện các dự án đọc sách, nuôi dưỡng ý tưởng, ươm mầm sáng tạo thực hiện các dự án sách.

Thư viện TP. Cần Thơ thì xác định phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ mở các chuyên mục “Mỗi kỳ một quyển sách” phát sóng hàng tuần; biên tập chương trình “Thư viện truyền thanh” từ thông tin trong sách, báo, tài liệu hiện có…

Từ nghiên cứu dựa trên các giai đoạn phát triển của trẻ, các đơn vị Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, NXB Thanh niên góp ý kiến về việc chủ động mở rộng mạng lưới, đưa sách về các trường học, trại giam, trại cải tạo; xây dựng chính sách khuyến đọc quốc gia theo hướng tiếp cận là nâng cao, mở rộng việc tiếp nhận tri thức phù hợp với thời đại số. Không dừng lại, gói gọn câu chuyện đọc sách in, đọc thông tin, tri thức, sáng tác, sáng tạo đóng gói theo cách truyền thống.

Đặc biệt, theo Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thanh niên Lê Thanh Hà, “nên đầu tư, bảo trợ cho những sản phẩm công nghệ ứng dụng thành tựu mới nhất trong nghiên cứu, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… để tiếp cận, hỗ trợ phát triển cá nhân thông qua các đề xuất, gợi ý về nhóm sách nên đọc cho từng độc giả hay từng nhóm độc giả. Có thể học tập mô hình, công cụ từ một số quốc gia, như cách mở cổng dữ liệu bổ trợ giáo dục đa dạng, có công cụ phân tích hành vi đến từng cá nhân, gia đình cùng danh mục các đầu sách nên đọc để phát triển bản thân, phát triển trẻ em đúng hướng”.

Hương Sen