Xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Công nghệ đã có... nhưng khó nhân lực

- Thứ Bảy, 03/07/2010, 00:00 - Chia sẻ
Thực hiện Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến nay, các công việc liên quan đang từng bước được khởi động, để đến năm 2014, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây dựng và năm 2020, tổ máy đầu tiên sẽ phát điện. Chính phủ đã quyết định lựa chọn Nga làm đối tác cung cấp công nghệ... Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nguồn nhân lực. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

- Thưa ông, với dự tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NM ĐHN) đầu tiên, vậy chúng ta đã lựa chọn được đối tác cung cấp công nghệ và giá cả của nó ra sao?

- Sau thời gian dài nghiên cứu, khảo sát, Chính phủ đã quyết định lựa chọn Nga làm đối tác cung cấp công nghệ cho NM ĐHN 1 ở tỉnh Ninh Thuận. Việc quyết định lựa chọn nói trên là do công nghệ ĐHN lò nước nhẹ của nước này được coi là công nghệ nguồn, được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá đảm bảo độ an toàn cao. Đây là công nghệ vận hành rất an toàn khoảng nửa thế kỷ qua mà chưa vướng phải những khó khăn, sự cố gì. Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới cũng đã, đang đặt mua công nghệ ĐHN này của Nga.

Giá công nghệ NM ĐHN của Nga được đánh giá tương đương với của các hãng khác trên thế giới. Với mức công suất 2.000 MWh, giá công nghệ đều được chào hàng gần 8 tỷ USD. Ngoài khoản tiền mua công nghệ này, hiện Bộ Công thương cũng đã chia dự án NM ĐHN Ninh Thuận thành các dự án thành phần, trong đó có dự án về hạ tầng; dự án xây dựng trung tâm thông tin ra sao; xây dựng trung tâm nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ; dự án đền bù, giải phóng mặt bằng...đã có tính toán các chi phí cần có. Tuy nhiên chắc chắn phải đến khi đi vào thực tế thực hiện, các chi phí mới được dự toán đầy đủ, cụ thể hơn.

- Tiến trình thực hiện dự án xây dựng NM ĐHN sẽ ra sao và các khó khăn sẽ gặp phải là gì thưa ông?

- Hiện nay, dự án ĐHN tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi và xúc tiến tìm đối tác tư vấn. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo NM ĐHN cấp Nhà nước để chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các công việc liên quan đến NM ĐHN Ninh Thuận 1.

Vì là công trình đầu tiên nên có rất nhiều khó khăn, đáng quan tâm nhất là  vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, bố trí cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Thiếu cơ chế, chính sách đãi ngộ và cơ chế cụ thể cho việc cử cán bộ đi đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài. Hệ thống giáo dục đào tạo công nghệ hạt nhân trong nước gần như không có, thậm chí ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh) còn rất yếu. Bên cạnh đó, việc thu xếp tài chính; xây dựng hệ thống luật pháp, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống tổ chức... gần như còn bỏ ngỏ. Chúng ta mới chỉ có Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 và 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Còn Nghị định về NM ĐHN thì đang xây dựng. Và dưới các Nghị định còn rất nhiều Thông tư nữa... Riêng vấn đề pháp lý đã là cả khối lượng công việc khổng lồ. Hiện nay các cơ quan có liên quan đang tổ chức triển khai thực hiện.

- Vậy việc đào tạo nguồn nhân lực cho NM ĐHN sẽ thực hiện thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT đã ký với Tập đoàn Nhà nước và ĐHN của Nga về đào tạo nguồn nhân lực và bắt đầu từ năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ gửi đi đào tạo khoảng 40 người. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn như Bộ KH-CN cũng đang xem xét để gửi cán bộ đi đào tạo, cán bộ quản lý theo các chương trình đào tạo riêng.

Theo nghiên cứu và thực tế sử dụng tại các nước, một tổ máy điện hạt nhân vận hành sẽ cần khoảng hơn 1.000 người làm các công việc khác nhau như vận hành, bảo dưỡng, cơ quan quản lý và những nhân lực làm các công việc đặc thù khác có liên quan. Con số đó chưa tính đến những người làm công tác thi công, xây dựng nhà máy và các công trình liên quan vì công việc đó các nhà thầu phải tính tới.

- Theo ông việc sử dụng chuyên gia nước ngoài cho NM ĐHN sẽ ra sao và với sự giúp đỡ của chuyên gia thì bao giờ Việt Nam có thể sử dụng điện từ ĐHN?

- Từ thực tiễn của Trung Quốc cho thấy, mặc dù có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, nhưng khi đi vào nghiên cứu và thực hiện xây dựng NM ĐHN, nhưng phải 5 năm mới có thể hoàn thiện những bước cơ bản và chuyển giao cho phía Trung Quốc. Nói như thế không có nghĩa là thực tế và nhu cầu ở nước nào cũng như vậy và thời gian qua, trong công tác nghiên cứu và vận hành Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, các chuyên gia Nga ban đầu chỉ hỗ trợ nước ta trong thời gian 1 năm, các năm tiếp theo đến nay tự nước ta thực hiện quản lý và nghiên cứu.

Với nhu cầu của nhà máy ĐHN sắp tới, các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề kết hợp làm việc của các chuyên gia nước ngoài, trên cơ sở yêu cầu thực tế, các hợp đồng cam kết làm việc và sử dụng chuyên gia sẽ được ký kết giữa các bên, làm sao để việc sử dụng các chuyên gia nước ngoài có thiết thực nhất đối với việc xây dựng NM ĐHN đầu tiên của nước ta. Còn về nhân lực tại chỗ, hiện mới chỉ có hơn 1.000 người làm việc trong các cơ quan nghiên cứu về năng lượng như Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn Bức xạ hạt nhân, các cơ quan liên quan của EVN, và một số chuyên gia, cán bộ làm việc ở Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, các chuyên gia giảng dạy... Hiện nay một khối lượng công việc rất lớn đang được triển khai hướng đến thực hiện cho kịp tiến độ vào năm 2014 sẽ khởi công xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên và dự tính sau năm 2020 tổ máy đầu tiên có thể phát điện được.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nam thực hiện