Xây dựng ngành lâm nghiệp có trách nhiệm

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 06:57 - Chia sẻ
Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cần đến hơn 522 nghìn tỷ đồng để triển khai. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, phải xã hội hóa các nguồn lực và thu hút ý thức tự nguyện tham gia của người dân, cộng đồng để xây dựng một ngành lâm nghiệp có trách nhiệm - không chỉ đuổi theo mục đích kinh tế mà phải cân bằng giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Đã có hành lang pháp lý 

Báo cáo của Bộ NN - PTNT tại hội nghị cho biết, sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn. Năm 2020, tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu hecta, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, cơ cấu 3 loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt trên 13,2 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới và thứ 2 châu Á.

Nối tiếp thành công của giai đoạn trước, ngày 1.4.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 523/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với mục tiêu đưa lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật theo hướng hiện đại, sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi…

Theo báo cáo của Bộ NN - PTNT, để thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trong 10 năm tới với hàng chục dự án sẽ cần nguồn vốn đầu tư là 522.515 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước chi khoảng 149.891 tỷ đồng; vốn ODA là 31.471 tỷ đồng; vốn chi từ dịch vụ môi trường rừng là 38.500 tỷ đồng; vốn tín dụng là 34.066 tỷ đồng; vốn FDI là 14.644 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân đầu từ chiếm số lượng lớn nhất, với 253.923 tỷ đồng.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 10 - 20 tỷ USD và đạt từ 23 - 25 tỷ USD trong năm 2030. Ngành lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5 - 5,5%/năm.

Trước đó, ngày 25.3.2021, Chính phủ ban hành Nghị định 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Đây là chính sách quan trọng, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với hệ thống quy phạm pháp luật và yêu cầu của thực tiễn. Giống cây trồng lâm nghiệp sẽ được quản lý theo chuỗi sản xuất, từ hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, quản lý vật liệu nhân giống, đến sản xuất cây giống và chất lượng rừng trồng.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng ban hành Quyết định 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục đích vừa cung cấp gỗ và nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, vừa phòng hộ, bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hà Công Tuấn, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam, Đề án một tỷ cây xanh cùng với Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn đã tạo ra hành lang pháp lý, chính sách quan trọng cho lĩnh vực lâm nghiệp trong giai đoạn mới.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp 10 năm tới cần 522 nghìn tỷ đồng

Tập trung cho khâu giống

Tổng cục Lâm nghiệp xác định để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn mới, rừng sẽ là thành tố quan trọng trong tất cả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, sẽ ưu tiên phát triển vùng rừng trồng để cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng gỗ lớn, chú trọng đến công tác giống cây trồng. 

Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Nghệ An Nguyễn Tiến Lâm cho rằng, trong lâm nghiệp muốn thành công phải cần cây giống. Giống cây nông nghiệp chỉ vài năm là có thể hoàn thành công tác khảo nghiệm để được công nhận, nhưng giống cây lâm nghiệp thời gian có thể kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí hơn nữa. Vì vậy, ưu tiên phát triển giống cây là một trong những giải pháp căn cơ để thực hiện tốt Chiến lược. 

Cùng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp GS. Trần Văn Chứ cho rằng, nhiều năm nay chúng ta cứ xoay quanh việc làm thế nào để có giống tốt nhưng vẫn chưa thực hiện được. "Chúng ta có thể nhập khẩu công nghệ hiện đại để phục vụ sản xuất nhưng phải làm chủ trong lĩnh vực giống lâm nghiệp". Thất bại trong việc trồng cây phong lá đỏ ở Hà Nội vẫn còn đó. Chúng ta nhập giống ở nước ngoài về nên không phù hợp, kết quả là cây chết khô, đây là một bài học. Vì vậy, thời gian tới nên tập trung nguồn lực cho khâu giống.

Đối với Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho rằng các địa phương, đơn vị cần huy động mọi nguồn lực xã hội, đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai. Cụ thể là kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế triển khai hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ... Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất mới trồng rừng sản xuất, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị. Đồng thời, bố trí, lồng ghép ngân sách, nguồn lực từ các chương trình, dự án, chủ động chuẩn bị cây giống có chất lượng để triển khai Đề án.

Muốn triển khai Chiến lược phát triển lâm nghiệp và Đề án trồng 1 tỷ cây xanh nhanh gọn, hiệu quả, theo Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan,  phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, biến thành phong trào thi đua từ cơ sở với những tiêu chí rõ ràng. 

Ông nhấn mạnh việc thực hiện xã hội hóa nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực thu hút ý thức tự nguyện tham gia của người dân và cộng đồng để xây dựng một ngành lâm nghiệp có trách nhiệm, cân bằng, hài hoà giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường chứ không phải chỉ theo đuổi mục đích về kinh tế. Cũng theo ông Hoan, các đơn vị chức năng phải có tư duy mới, những ý tưởng mới và sáng kiến để tạo ra sự tăng trưởng đột phá của ngành lâm nghiệp. Nếu kế hoạch, chiến lược có tốt đến đâu mà không tập trung quan tâm, bổ sung vào đó những giá trị sáng tạo thì cũng không hiệu quả trong triển khai. 

Hạnh Nhung