Xây dựng nền tư pháp trong sạch, nghiêm minh

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:19 - Chia sẻ
Với khối lượng, cường độ và áp lực công việc rất lớn nhưng Ủy ban Tư pháp nhiệm kỳ Khóa XIV (2016 - 2021) đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện bản lĩnh và đặc biệt là không ngại khó để thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách, từ đó, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.

Kiên quyết chống lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Tư pháp được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì thẩm tra và chỉnh lý, hoàn thiện 6 dự án luật, 4 nghị quyết. Trong đó, nhiều dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, quy định về nhiều vấn đề quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Đơn cử, Bộ luật Hình sự được ban hành nhằm tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật nhưng vẫn đề cao tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý người phạm tội, phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. 

Một trong những điểm sáng trong nhiệm kỳ này là công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp bị phát hiện và xử lý nghiêm minh; nhiều cán bộ cấp cao có hành vi tham nhũng bị xử lý trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, đạt được kết quả này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện các công cụ pháp lý về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cụ thể là: mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; hoàn thiện quy định về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; quy định cụ thể hơn trách nhiệm phát hiện tham nhũng của các cơ quan thanh tra, kiểm toán; quy định cụ thể hơn về tố cáo tham nhũng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng; quy định việc xử lý hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng nghiêm khắc hơn, không phân biệt chức vụ, địa vị xã hội, kể cả khi người có hành vi vi phạm đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang vị trí công tác mới... Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã cơ bản thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng và nội luật hóa tối đa các yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động và tích cực, trên cơ sở quán triệt các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, việc thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Ủy ban Tư pháp tiến hành bài bản, nghiêm túc, bảo đảm thận trọng, khách quan, vì lợi ích chung, đồng thời kiên quyết chống các biểu hiện lợi ích nhóm, cục bộ… Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, các dự án do Ủy ban Tư pháp chủ trì thẩm tra, chỉnh lý đều được xem xét kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản, qua đó, chất lượng dự án được nâng lên rõ rệt từ kết cấu, bố cục đến nội dung các điều khoản so với dự thảo ban đầu. Hầu hết các ý kiến của Ủy ban Tư pháp đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan tán thành, ủng hộ và đánh giá cao. Các luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực do Ủy ban Tư pháp phụ trách sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm cụ thể, chi tiết, có tính khả thi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Tư pháp

Ảnh: T. Chi 

Bảo đảm "tính Nhân dân" trong hoạt động

Nhìn lại gần 5 năm qua, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp đều nhất trí cho rằng, hoạt động giám sát đã được Ủy ban tăng cường, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan, tạo chuyển biến tích cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp. Trong đó, Ủy ban đã tiến hành hai chuyên đề giám sát: việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND; và việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự. Cùng với đó, theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì tổ chức triển khai có hiệu quả chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thông qua giám sát, Ủy ban Tư pháp đã làm rõ được những tồn tại, hạn chế đối với từng nội dung giám sát và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kịp thời kiến nghị những giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục. Đáng chú ý, một số phiên giải trình do Ủy ban tổ chức trong nhiệm kỳ qua đã thẳng thắn đề cập đến nhiều vấn đề thời sự, nóng bỏng, nhạy cảm được dư luận xã hội, các đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Điều này đã góp phần giảm tải nội dung chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. 

Là thành viên Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban đã chọn cách làm, hướng đi “không ngại khó”. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của tập thể Ủy ban mà trước hết là Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga và Thường trực Ủy ban. Đơn cử, Ủy ban đã giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát một số vụ án cụ thể; qua đó, yêu cầu Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao giải quyết hoặc chỉ đạo việc giải quyết nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, không làm oan, sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm; bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại, lao động và hành chính. “Như thế là rất vất vả vì phải nghiên cứu, phân tích, tổ chức các hội thảo, tham khảo ý kiến của các cơ quan hữu quan…”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, các cuộc giám sát, giải trình mà Ủy ban Tư pháp tổ chức đã thể hiện tính tranh luận, phản biện và kiểm soát quyền lực trong hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đối với các cơ quan thực thi pháp luật, qua đó, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân đối với Quốc hội.

Nhớ lại những cuộc tranh luận trong Ủy ban, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng, dù tranh luận thế nào thì cuối cùng Ủy ban cũng đi đến thống nhất, "đi đến một chân lý”. Chính vì thế, theo ông, hoạt động của Ủy ban Tư pháp đã đi đúng định hướng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững, quán triệt, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối trong các Nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, nhất là những định hướng đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp, phòng, chống tham nhũng; tôn trọng thực tiễn khách quan, kiên quyết bảo vệ các quan điểm đúng đắn, khách quan, vì lợi ích chung. 

Một bài học kinh nghiệm quan trọng được các thành viên Ủy ban Tư pháp đúc kết đó là: bảo đảm "tính Nhân dân, tính dân chủ trong hoạt động lập pháp, giám sát, tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước". Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân vì vậy hoạt động lập pháp của Quốc hội phải thể hiện rõ tính Nhân dân. Với vai trò là cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật để tham mưu việc ban hành, sửa đổi hoặc bổ sung kịp thời những quy định của pháp luật. Các văn bản luật phải thể hiện ý chí, lợi ích của Nhân dân, bảo đảm kết hợp và cân bằng một cách hài hòa giữa lợi ích của các tầng lớp Nhân dân vì sự phát triển của cả cộng đồng của cả xã hội.

Gần 5 năm qua, Ủy ban Tư pháp đã không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động; tổ chức triển khai toàn diện, có hiệu quả các mặt công tác thuộc lĩnh vực phụ trách, thực hiện tốt chế độ làm việc tập thể, đoàn kết, phát huy dân chủ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiến độ công việc, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ủy ban nhấn mạnh, "từng thành viên Ủy ban đã nỗ lực, thể hiện được bản lĩnh, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đóng góp quan trọng vào sự thành công của Ủy ban Tư pháp trong nhiệm kỳ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội. Bằng hoạt động thực tiễn, Ủy ban Tư pháp đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của mình trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước". 

Nhật An