Xây dựng môi trường khởi nghiệp lành mạnh với học sinh, sinh viên

- Thứ Ba, 24/11/2020, 21:06 - Chia sẻ
“Để Việt Nam trở thành "con Rồng châu Á", học sinh sinh viên phải đi đầu” - đây là nhận định mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức. Ngày hội diễn ra trong 2 ngày 23 và 24.11 với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Ý tưởng không phải là tất cả

Chia sẻ với các học sinh, sinh viên tại ngày hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để Việt Nam trở thành "con Rồng của châu Á” trong thời gian tới, thế hệ trẻ học sinh, sinh viên phải đi đầu, phải dựa trên khát khao, tìm tòi hiểu biết và sự dũng cảm để làm những việc chưa có nhiều người làm. Mỗi học sinh, sinh viên hãy là người trong cuộc, không đứng ngoài quan sát.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, để khởi nghiệp thành công, ý tưởng là quan trọng nhưng không phải tất cả, trên con đường tới với vinh quang cần nhiều hơn các yếu khác. Nếu chưa có ý tưởng nào khởi nghiệp, học sinh, sinh viên cần làm tốt việc đầu tiên là học tốt, nắm vững chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Chính việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng sẽ giúp cho học sinh, sinh viên có những ý tưởng khởi nghiệp. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn nút khởi động “Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên GDNN”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đại biểu nhấn nút khởi động “Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên GDNN”.

Phó Thủ tướng chia sẻ, không phải ai cũng thành công trong lần đầu khởi nghiệp, nên mỗi người phải hết sức kiên trì, nỗ lực, phấn đấu cao nhất. Mỗi học sinh, sinh viên cần nắm tay nhau kết thành vòng tay lớn; kết nối với nhau, với nhà đầu tư, doanh nghiệp; người đi trước giúp người đi sau, cùng chia sẻ ý tưởng, rèn luyện kỹ năng mềm hay làm tốt nhất công việc của mình đang có.

Năm 2020, cả thế giới hầu hết tăng trưởng âm, riêng Việt Nam tăng trưởng dương. Nhưng do xuất phát điểm quá thấp, cho nên nước ta vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn còn nghèo, nhiều nơi vẫn rất nghèo.

"Nếu chúng ta muốn thoát khỏi thu nhập trung bình, muốn thành con rồng, con hổ thì liên tục 20 năm tới đây, chúng ta phải duy trì được tốc độ tăng trưởng, nếu tính theo GDP đầu người ít nhất 7%, tức là tính theo tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 7,5%. Tôi tin rằng, tất cả mỗi người Việt Nam không kể người trẻ hay người đã có tuổi đều mong muốn" - Phó Thủ tướng nhận định.

Khẳng định vai trò của giáo dục nghề nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù ý tưởng ban đầu có tốt đến đâu thì cũng cần tay nghề, kỹ năng thật tốt để triển khai và tạo nên những bước tiến. Ông cũng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ trong các hoạt động để xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương TP Hồ Chí Minh là nơi luôn tạo ra cảm hứng và môi trường để kinh doanh, để sáng tạo.

Tiếp nối ý kiến của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định, "trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, phát triển con người được xem là thước đo cho sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó đào tạo nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thăm hỏi học sinh, sinh viên tại buổi lễ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi học sinh, sinh viên tại buổi lễ.

Theo Thứ trưởng, việc tổ chức "Ngày hội khởi nghiệp" cho học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN tạo cho các bạn học sinh, sinh viên có một sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công. Qua đó, làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn GDNN để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước, yêu cầu cần có kỹ năng nghề cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, của việc làm và cũng chính là những nhân tố làm nên sự thay đổi của khoa học công nghệ thông qua tư duy đổi mới, sáng tạo.

Xác định khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra thành công cho sự phát triển của thành phố, ông Lê Tấn Dũng cho rằng, khởi nghiệp là "mồi lửa" để châm ngòi cho sức sáng tạo và việc làm cho "ngọn lửa" khởi nghiệp rực cháy đang là quyết tâm chung của toàn xã hội; đưa hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên trở thành xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ trưởng cũng ghi nhận những đóng góp của TP Hồ Chí Minh trong việc xây dựng môi trường khởi nghiệp lành mạnh cho học sinh, sinh viên. Được biết, thông qua các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng và hiệu quả với 440.000 doanh nghiệp (chiếm 32% doanh nghiệp cả nước), đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển của thành phố. TP Hồ Chí Minh đã tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở GDNN trọng điểm hơn 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, để thực hiện tốt hơn nữa việc hỗ trợ khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, TP Hồ Chí Minh sẽ tập thúc đẩy khởi nghiệp gắn với Đề án Đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố để học sinh, sinh viên định hình hướng đi phù hợp với nhu cầu của thành phố.

Tùng Dương