Xây dựng mô hình khuyến nông gắn với đầu ra sản phẩm

- Thứ Ba, 09/11/2021, 06:39 - Chia sẻ
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) cần ưu tiên xây dựng các mô hình lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để từ đó khuyến khích nhân rộng mô hình; việc xây dựng mô hình cần gắn với đầu ra của sản phẩm.

Đa dạng các mô hình khuyến nông

Với mục đích đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, 9 tháng năm 2021, các mô hình khuyến nông thuộc lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản được triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội đạt được những kết quả đáng ghi nhận.Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm tổ chức thực hiện 20 dạng mô hình khuyến nông về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… triển khai tại 75 điểm với 1.215 hộ, Hợp tác xã tham gia. Các mô hình được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm theo kế hoạch.

	Thu hoạch sen cao sản tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Nguồn: Nongnghiep.vn
Thu hoạch sen cao sản tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
Nguồn: Nongnghiep.vn

Cụ thể, Trung tâm chú trọng lựa chọn những bộ giống lúa có năng suất, chống chịu bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường do giảm thuốc bảo vệ thực vật, từ đó đưa vào mô hình trình diễn. Năm 2021, Trung tâm lựa chọn 2 giống lúa là VRN 10 và VRN 20 của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam. Qua 2 vụ sản xuất, mô hình đạt hiệu quả năng suất cao, đạt 63 - 69,4 tạ/ha (vụ xuân), 60 - 69 tạ/ha (vụ mùa), cao hơn giống đối chứng Khang dân 18 từ 10 - 15%.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công tác chỉ đạo kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, cộng với thời tiết thay đổi thất thường, song nhiều mô hình khuyến nông triển khai thực hiện năm 2021 vẫn đạt được kết quả tốt. Đơn cử, mô hình sản xuất hoa sen cao sản, quy mô 10ha, thực hiện tại 2 xã Đại Thịnh và Mê Linh (huyện Mê Linh). Hiện đã thu hoạch vụ sen đầu tiên, bình quân mỗi tuần thu được 200 bông loại 1/ha với giá bán 5.000 đồng/bông. Ngoài hiệu quả kinh tế, trồng sen tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh những mô hình trồng trọt, 9 tháng năm 2021, trên địa bàn thành phố đã có 4 dạng mô hình thủy sản, 5 dạng mô hình chăn nuôi được triển khai tại 39 điểm với 163 hộ tham gia. Có thể kể đến mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn đã được nghiệm thu. Các mô hình còn lại đang cho kết quả tốt, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, tiêu biểu như mô hình “Sử dụng thảo dược chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học” với quy mô 50.000 con, thực hiện tại 11 điểm huyện, thị xã với 51 hộ tham gia. Mô hình sử dụng thảo dược pha với nước cho đàn gà uống, giúp nâng cao sức đề kháng, ít bị bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Hiện nay, gà phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt từ 2,1 - 2,2kg/con, tỉ lệ sống đạt 96,5%.

Mô hình nuôi cá lồng (cá lăng đen) quy mô 600m3, thực hiện tại 2 điểm Phú Châu - Ba Vì, Văn Đức - Gia Lâm mỗi điểm 1 hộ tham gia mô hình. Nuôi cá lồng có ưu điểm dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, tận dụng dòng chảy, môi trường nước ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, cá sinh trưởng phát triển tốt, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng. Đàn cá phát triển tốt, khỏe mạnh, trung bình đạt từ 1,1 - 1,2kg/con. Dự kiến thu cá vào tháng 12.2021.

Tất cả các mô hình trên đều được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác chọn điểm, chọn hộ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến công tác giao giống đúng tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật đều được phòng chuyên môn và các Trạm Khuyến nông nghiêm túc thực hiện. Đến nay các mô hình vẫn đang được theo dõi, quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm mô hình đạt được kết quả theo đúng yêu cầu đề ra.

Giải ngân Quỹ Khuyến nông hỗ trợ nông dân sản xuất

Song song việc triển khai các dạng mô hình, tổ chức các diễn đàn về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Trung tâm còn đẩy mạnh công tác thẩm định, giải ngân nguồn vốn Quỹ Khuyến nông hỗ trợ bà con sản xuất, đầu tư cơ giới hóa. Công tác quản lý, sử dụng Quỹ Khuyến nông thành phố đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phát triển sản xuất của nông dân. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã tiếp nhận và tổ chức 3 đợt thẩm định 132 phương án xin vay với tổng số vốn phê duyệt cho vay là hơn 50 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, kết quả đạt được là do cán bộ đơn vị đã chủ động theo dõi tình hình thời tiết, dự báo dịch bệnh để kịp thời thông tin đến người dân cũng như đưa ra các giải pháp kỹ thuật, hỗ trợ hộ sản xuất phòng, chống nắng nóng, mưa bão và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, giữa Trung tâm và địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lựa chọn hộ, triển khai mô hình đến hộ phù hợp với yêu cầu sản xuất của địa phương, nông dân hưởng ứng và nhiệt tình tham gia.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô đạt từ 4,2% trở lên trong năm 2021, trước những thách thức và khó khăn trước mắt, ông Đăng yêu cầu Trung tâm tiếp tục theo dõi, giám sát, chỉ đạo chương trình, mô hình khuyến nông đã triển khai. Trên cơ sở rà soát kế hoạch khuyến nông năm 2021 để xây dựng kế hoạch cho năm 2022, trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để từ đó khuyến khích nhân rộng mô hình; việc xây dựng mô hình cần gắn với đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Khuyến nông để giúp nông dân phát triển sản xuất. 

Thảo Anh