Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai

- Thứ Năm, 25/11/2021, 06:49 - Chia sẻ
Quyết định 379/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Thủ tướng Chính phủ ban hành đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP; người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Thiên tai ngày càng gia tăng và diễn biến cực đoan

Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và có xu thế ngày càng gia tăng. Điển hình như năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; gây thiệt hại về kinh tế ước trên 39.962 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2017 là năm kỷ lục về số cơn bão, đã làm 386 người chết, mất tích, thiệt hại ước khoảng 60.000 tỷ đồng.

Gia cố đê biển xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Nguồn: TTXVN
Gia cố đê biển xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Nguồn: TTXVN

Từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 109 trận động đất nhẹ, 316 trận mưa đá, dông lốc, sét; 140 trận mưa lớn, lũ cục bộ, 157 vụ sạt lở bờ sông, 7 đợt nắng nóng và 6 đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc. Đặc biệt, đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung thời gian gần đây đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tính đến ngày 26.10.2021, thiên tai đã làm 79 người chết, mất tích, 87 người bị thương; 247 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.645 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 74km đường giao thông sạt lở... Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 1.428 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong các loại hình thiên tai thì lũ quét, sạt lở đất là những loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, xảy ra ở nhiều nơi, với quy mô và cường độ ngày càng lớn hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do mưa lớn, kết hợp với địa hình, song việc xác định thời gian, mức độ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nay chưa thể dự báo được.

Điều đáng lưu ý là, các trận lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra ở khu vực miền núi, hẻo lánh. Do đó, khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận hiện trường để cứu hộ, cứu nạn. Trong khi đó, nhận thức, kỹ năng của người dân, nhất là đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa về phòng, chống thiên tai còn hạn chế, bất cẩn khi có mưa lũ; công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa quyết liệt, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai chưa được tập huấn bài bản, triển khai không thường xuyên và chưa cụ thể đến từng khu vực có nguy cơ rủi ro cao.

Chủ động vào cuộc

Năm 2020 là năm ghi nhận bước chuyển biến trong công tác chỉ đạo với nhiều công điện, văn bản, chỉ thị nhanh chóng, kịp thời từ Trung ương tới địa phương đối với công tác phòng, chống thiên tai; sự vào cuộc hết sức chủ động của các tổ chức, chính quyền và cá nhân trong việc phòng ngừa thiên tai.

Trong đó, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã kế thừa Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai, góp phần từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Mục tiêu tổng quát đề ra của Chiến lược là “chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của người dân và Nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng”.

Để đạt mục tiêu này, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, “Chiến lược đã đề ra những giải pháp trọng tâm. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi. Nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; gắn khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho từng vùng miền cũng được Chiến lược đề cập đến, ứng với các loại thiên tai điển hình”.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai sẽ phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; xây dựng khung giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược hằng năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh thêm.

Thảo Anh