Phạt nguội qua camera

Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất

- Thứ Tư, 02/06/2021, 07:29 - Chia sẻ
Để phát huy hiệu quả của các “mắt thần” camera trong giám sát vi phạm giao thông, nhiều ý kiến cho rằng cần phân tích đầy đủ các dữ liệu về nguyên nhân khiến tỷ lệ phạt nguội đạt thấp, từ đó đề ra giải pháp khắc phục phù hợp. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện đại, thống nhất.

Tỷ lệ phạt nguội còn thấp

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đang lập đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính. Trước mắt cơ quan chức năng sẽ tập trung lắp đặt tại các tuyến cao tốc và phủ sóng thiết bị này trên Quốc lộ 1, sau đó đến các tuyến cao tốc.

Là một trong những địa phương đi đầu cả nước áp dụng hình thức phạt nguội các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera, song đến nay, hiệu quả xử phạt ở TP. Hồ Chí Minh vẫn khá thấp. Cụ thể, năm 2018, số người đến chấp hành quyết định xử phạt chỉ đạt khoảng 50%. Tỷ lệ này trong các năm 2019, 2020 cũng chỉ đạt mức tương tự. Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm 2021, đơn vị ghi nhận hơn 35.600 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh; nhưng chỉ có hơn 5.000 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt (14,28%).

Tại Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm, có hơn 4.600 trường hợp vi phạm giao thông bị phát hiện qua hệ thống camera, trong đó 3.445 trường hợp đã bị xử lý. Theo Đội chỉ huy giao thông và đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội, đa phần người tham gia giao thông đã có ý thức việc tiếp nhận thông báo qua các trang mạng và qua thông báo gửi đến địa chỉ và đã lên để xử lý. Song, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, trong số đó có không ít trường hợp người vi phạm từ những năm trước.

Không chỉ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ xử phạt thành công với vi phạm được phát hiện qua camera ở nhiều địa phương cũng đang ở mức thấp. Nguyên nhân được đưa ra là do tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không sang tên, chuyển chủ còn nhiều, chủ phương tiện thay đổi địa chỉ nhưng không đăng ký lại thông tin để lực lượng cảnh sát giao thông quản lý dẫn đến việc thông báo, yêu cầu người vi phạm đến xử lý phạt nguội gặp nhiều khó khăn. Hành lang pháp lý để xử phạt nguội chưa đầy đủ, một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về chuyển quyết định xử phạt, xử phạt qua tài khoản chưa cụ thể, rõ ràng.

Cùng với đó, thiết bị phục vụ việc giám sát chưa đồng bộ và mới chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm nội đô và các tuyến quốc lộ nên chưa thể triển khai việc phạt nguội một cách rộng rãi. Chế độ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị giám sát chưa được thường xuyên dẫn đến hư hỏng, đường truyền bị gián đoạn ảnh hưởng tới quá trình giám sát. Trong khi đó, cơ chế khai thác, xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát giao thông hiện chưa rõ ràng và triệt để dẫn đến việc nhiều hành vi vi phạm được hệ thống phát hiện và ghi nhận nhưng kết quả xử lý thực tế chưa cao. Đáng chú ý, dù tỷ lệ phạt nguội đạt thấp, nhưng đến nay vẫn chưa có những con số cụ thể về tỷ lệ các nguyên nhân dẫn tới thực tế này.

Tỷ lệ xử phạt vi phạm được phát hiện qua camera đang ở mức thấp

Phân tích đầy đủ dữ liệu

Là một bước tiến lớn trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động theo dõi, kiểm soát và xử lý đối với vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, nhưng đến nay tỷ lệ phạt nguội qua camera ở nước ta vẫn rất thấp (dưới 20%). Để khắc phục, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp như phối hợp với lực lượng công an địa phương đưa thông báo đến tận nhà người vi phạm, cập nhật thông tin phương tiện vi phạm lên internet để người dân dễ dàng tra cứu. Thậm chí, đề xuất tước giấy phép lái xe có thời hạn trên hệ thống của cảnh sát giao thông mà không cần trực tiếp tạm giữ… nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Để nâng cao hiệu quả việc phạt nguội, theo các chuyên gia, cần sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Có chế tài mạnh với các quy định cụ thể bắt buộc người vi phạm đến nộp phạt; quy định chặt chẽ về trách nhiệm ràng buộc giữa chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện. Trong đó, cần phân tích các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả xử lý phạt nguội đạt thấp. Giảng viên môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải Vũ Anh Tuấn cho rằng, chỉ khi phân tích đầy đủ các dữ liệu về nguyên nhân khiến người vi phạm trốn tránh trách nhiệm, cơ quan chức năng mới đề ra giải pháp khắc phục phù hợp. Nói cách khác, chỉ khi hệ thống pháp lý và kỹ thuật thống nhất mới giải quyết được vấn đề phạt nguội.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để phát huy hiệu quả của các “mắt thần” trong giám sát vi phạm giao thông, sự chi tiết của dữ liệu đầu vào là yêu cầu quan trọng. Bởi, theo kinh nghiệm ở nhiều nước, chỉ cần gõ mã số là xác định được thông tin về phương tiện, vị trí vi phạm, địa chỉ người điều khiển phương tiện. Do đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện đại, thống nhất trên cả nước và kết nối cơ sở dữ liệu này với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi đã được xây dựng hoàn chỉnh để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý.

Hiểu Lam