Xây dựng cơ chế bình đẳng trong giao đất cho các tôn giáo

- Thứ Sáu, 04/06/2021, 02:00 - Chia sẻ
Ngày 3.6, thông tin tại Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng do Bộ Nội vụ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, tính đến tháng 11.2020, các tổ chức tôn giáo sử dụng khoảng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng khoảng 5.801 cơ sở so với năm 2008. Số cơ sở trên bao gồm cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo, cơ sở phụ trợ, cơ sở hoạt động xã hội của tôn giáo...
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến

Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy, chính sách, pháp luật về đất đai liên quan đến tôn giáo và thực tế sử dụng đất đai của các tôn giáo đã có nhiều bất cập như: việc áp dụng Luật Đất đai năm 2013 còn những điểm khó và vướng trong công tác quản lý như về hạn điền; chưa có hướng giải quyết đối với đất đai tôn giáo phát sinh; chưa có quy định việc tôn giáo sử dụng đất vào các hoạt động an sinh xã hội…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, dự báo thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng đón tất cả các tôn giáo, thậm chí là các đạo lạ, đó là xu hướng phát triển tự nhiên, có tôn giáo là có tín đồ. Do đó, về quy hoạch đất đai, cần có quỹ đất để xây dựng các cơ sở tôn giáo; xây dựng cơ chế bình đẳng trong vấn đề giao đất cho các tôn giáo; giải quyết tốt các vấn đề chồng chéo về thể chế liên quan đến đất đai tôn giáo…

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục cập nhật, đánh giá đầy đủ nhu cầu sử dụng đất đai trong tôn giáo; Tập trung lựa chọn một số địa phương để phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ trong việc tổ chức tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW liên quan đến đất đai trong tôn giáo, nhất là các địa phương có nhiều lúng túng, vướng mắc trong sử dụng đất đai.

Bảo Hân