Xây dựng chiến lược phát triển văn hóa và phục hồi du lịch

- Thứ Ba, 29/06/2021, 22:10 - Chia sẻ
Ngày 29.6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, đóng góp thiết thực trên cơ sở thực tiễn của các địa phương trong hoạt động quản lý văn hóa, du lịch.

Gốc là môi trường văn hóa - đời sống văn hóa

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp. Qua nghiên cứu nghị quyết và những luận điểm mới Đại hội đề ra, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ thứ tư về văn hóa đã được nghị quyết xác định rất rõ ràng, đặt ra vấn đề về nhiệm vụ cho ngành văn hóa, thể thao, du lịch phải cụ thể hóa để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm này. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở tổng kết Chiến lược văn hóa giai đoạn trước đã dự thảo Chiến lược giai đoạn mới, đồng thời xin ý kiến của các đơn vị, địa phương, tiếp thu và hoàn thiện.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị

Ảnh: N.Khánh 

“Việc xây dựng Chiến lược văn hóa giai đoạn mới, với trọng tâm là bảo đảm mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Đó là khơi dậy và phát huy được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh và văn hóa được xác định là động lực của sự phát triển, là yếu tố nội sinh; mục tiêu xây dựng văn hóa là hướng tới xây dựng con người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Bộ đã xin ý kiến các đơn vị, địa phương, đến nay trên 50% Tỉnh ủy, Thành ủy ký công văn góp ý xây dựng Chiến lược. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp cận những ý kiến hợp lý nhất để hoàn thiện Chiến lược.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Chiến lược lần này cố gắng giảm bớt tính hàn lâm nhưng vẫn dẫn luận lại những quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là phát triển quan điểm mới, những luận điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, từ đó tập trung cho các nhiệm vụ và giải pháp.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã trình bày Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với mục tiêu chung là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành; 95 - 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65 - 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 65 - 70% số di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao; doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP...

5 năm tới du lịch sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim

Về Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, mục đích của Chương trình hành động là cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời, cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch đã được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam trong 5 năm 2021 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt, trước tác động của đại dịch Covid-19 và các vấn đề toàn cầu.

Chương trình hành động xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện và các nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ đã yêu cầu các bên liên quan tổng kết các chiến lược, kế hoạch hành động về du lịch, nhất là sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó nhìn nhận và đánh giá.

Thực tế, trước khi xảy ra dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phấn đấu đưa du lịch Việt Nam từng bước tiếp cận các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 08. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước với gần 10% vào GDP. Nhưng dịch Covid-19 đã khiến du lịch nước ta và thế giới gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra cho việc xây dựng chương trình hành động phải bảo đảm vượt khó và phát triển trong tương lai lâu dài.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thiết kế Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khắc phục sau khi dịch bệnh được đẩy lùi; đồng thời thay đổi tư duy và tiếp cận. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán cân bằng thị trường khách quốc tế và nội địa để đi bằng hai chân, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định tầm quan trọng của phục hồi du lịch nội địa

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá cao nội dung cũng như tính khả thi của dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 với những kế hoạch chi tiết, lý luận, thực tiễn đầy đủ. "Nếu triển khai đầy đủ, thành công tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này thì trong 5 năm tới, du lịch của nước ta sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng của những năm trước, là ngành kinh tế mũi nhọn như đã mong ước".

Ông Bình cũng cho biết: Du lịch nội địa là yếu tố quan trọng hàng đầu để khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế là phải nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine cho lao động trong ngành du lịch, để họ có đủ điều kiện hoạt động, khách du lịch sẽ yên tâm hơn khi đến với Việt Nam được những người đã tiêm vaccine phục vụ...

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương trong hoạt động quản lý văn hóa, du lịch. Trên cơ sở này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thiện Chiến lược, Chương trình hành động một cách khoa học, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính thực tiễn, khả thi.

Hương Sen