Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Xây dựng các trụ cột chính để Hà Nội phát triển

- Thứ Ba, 22/06/2021, 06:50 - Chia sẻ
Xây dựng chính quyền đô thị theo đúng nghĩa, tự chủ về bộ máy cán bộ; xây dựng ngân sách, tài chính đặc thù để tạo sự công bằng trong sử dụng nguồn lực tài nguyên chung của Nhà nước và quản lý điều hành bằng thuế, phí; quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao trách nhiệm của người dân, song song với phát triển kinh tế đô thị... là những trụ cột chính để Hà Nội phát triển. Và đây cũng là 3 nhóm trụ cột chính được xác định trong quá trình sửa đổi Luật Thủ đô.

Nhiều quy định chưa khả thi

Báo cáo của Tổ công tác Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) của TP. Hà Nội cho biết, sau 8 năm thực hiện Luật Thủ đô (hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013), thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tích cực triển khai thực hiện Luật Thủ đô, nhờ đó nhiều quy định của luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển TP. Hà Nội. Nhiều cơ chế, chính sách trong luật đã nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt, trên cơ sở Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã ban hành những chủ trương, giải pháp, từng bước tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp…

Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại  
Nguồn ITN

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cũng cho thấy, nhiều quy định trong Luật Thủ đô còn nhiều hạn chế: Một số vấn đề quy định chưa bảo đảm tính khả thi, khó triển khai vào thực tiễn. Đơn cử, việc trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội” tại địa bàn ngoài nước còn gặp phải khó khăn, chưa huy động, phát hiện được hết tiềm năng đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực đời sống, xã hội. Hay, lĩnh vực khoa học và công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nhiều lĩnh vực chưa theo kịp trình độ phát triển của khu vực. Bên cạnh đó, chính sách trọng dụng nhân tài tuy đã được thành phố quan tâm, nhưng chưa thu hút được nhiều sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, cao đẳng, nhà khoa học trẻ có tài năng để tuyển dụng bố trí làm việc tại các cơ quan, đơn vị…

Ngoài ra, còn không ít bất cập khác như ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra khá phổ biến. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém, giải phóng mặt bằng còn chậm, gặp nhiều khó khăn, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp. Tình trạng dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh cả nội thành và ngoại thành, khu vực nội đô lịch sử, mật độ dân cư phân bố không đều, chênh lệch đáng kể giữa ngoại thành và nội thành... trong khi các quy định vẫn “giậm chân tại chỗ”.

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo kế hoạch, có 24 nội dung liên quan đến nghiên cứu, xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách được đề xuất vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thời gian thực hiện các nội dung này từ tháng 5.2021 đến năm 2024.

Xây dựng các trụ cột chính

Trước những tồn tại trên, nhiều chuyên gia luật nêu thực tế, nhiều quy định trong luật vẫn chưa bảo đảm tính khả thi, khó triển khai vào thực tiễn, nhất là còn thiếu các cơ chế bảo đảm cho thành phố trong việc xây dựng chính quyền đô thị. Cụ thể, một số quy định của Luật như: Mục tiêu hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông đường bộ hiện đại; thực hiện chính sách giãn dân ra ngoại thành… còn mang tính nguyên tắc, định hướng chung, chưa bảo đảm tính khả thi.

Hơn nữa, phần lớn các văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế (Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công), nên việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô bị hạn chế bởi các quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau về thẩm quyền, cơ chế tự chủ của chính quyền Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu ví dụ, mặc dù có rất nhiều giải pháp về quy hoạch đô thị, nhưng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến các nội dung về quy hoạch tại Luật Thủ đô đã bị lạc hậu không còn phù hợp với thực tiễn. Điển hình là việc cho xây dựng rất nhiều chung cư, nhà ở mới nhưng lại không đến được với người có thu nhập thấp bởi giá nhà ở quá cao so thu nhập của người dân, người cần thì không có, gây lãng phí.

Tại phiên họp trực tuyến để đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô và nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng mới đây do UBND TP. Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến nhất trí để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Thủ đô và đất nước, việc bổ sung hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết. Theo đó, cần làm rõ yêu cầu đặc biệt của yếu tố Thủ đô.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) Lê Hồng Sơn cho rằng: Trong thời gian tới, các sở, ngành TP. Hà Nội tiếp tục soát, đề xuất chính sách cụ thể cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới vào đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tổng hợp. Đặc biệt, cần nhấn mạnh bổ sung đánh giá theo 3 trụ cột để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi): Chính quyền đô thị; tài chính - ngân sách đặc thù cho thành phố; quản lý đô thị, dân cư đô thị.

Với nhóm 1: Xây dựng chính quyền đô thị, Hà Nội phải có chính quyền đô thị theo đúng nghĩa, phải tập trung đẩy mạnh để Hà Nội có thể tự chủ về bộ máy cán bộ. Nhóm 2: Ngân sách, tài chính đặc thù cho Hà Nội để tạo sự công bằng trong sử dụng nguồn lực tài nguyên chung của Nhà nước và quản lý điều hành bằng thuế, phí. Nhóm thứ 3: Quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao trách nhiệm của người dân, song song với phát triển kinh tế đô thị.

Hải Thanh