Quốc hội thông qua một số Nghị quyết quan trọng tại Kỳ kọp bất thường lần thứ Nhất

Xác định rõ tiêu chí, mục tiêu

- Thứ Tư, 12/01/2022, 08:57 - Chia sẻ
Với việc Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo động lực quan trọng giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi; đồng thời kiến nghị cần xác định rõ tiêu chí, mục tiêu để triển khai hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam TÔ HOÀI NAM:
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để tạo tính lan tỏa

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội với quy mô lớn nhất từ trước tới nay (trên 300.000 tỷ đồng) và chỉ thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023 thể hiện quyết tâm rất lớn của Quốc hội đưa nền kinh tế đi lên.

Những chính sách hỗ trợ lần này rất thiết thực, gồm miễn giảm thuế, trong đó giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 trừ một số lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng phục hồi…

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là triển khai nhanh chóng, quyết liệt. Trong đó, với gói về hạ tầng, cần quan tâm ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy lợi. Bởi lẽ, nghiên cứu định lượng đã chỉ ra, khi tập trung vào các lĩnh vực này sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn, tạo việc làm nhiều nhất và sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp cả nước - được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khi thống nhất được mục tiêu hỗ trợ này, cần quy định rõ những gói thầu dưới 5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách chỉ giao cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện. 

Sở dĩ cần ưu tiên tập trung doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là bởi có mối quan hệ mật thiết với 3,6 triệu hộ kinh doanh. Thêm nữa, thống kê chính thức cho thấy có khoảng 1,6 triệu lao động mất việc làm do dịch Covid-19, trong đó lao động ở những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề. Như vậy, khi hỗ trợ cho các doanh nghiệp này sẽ tạo lan tỏa lớn, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn xã hội.

Phó giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội PHẠM VĂN BẢY:
Làm rõ tiêu chí “có khả năng phục hồi”

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết đã cơ bản đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Song, điều khiến chúng tôi băn khoăn là tiêu chí nào để xác định doanh nghiệp “có khả năng trả nợ, khả năng phục hồi” để được nhận hỗ trợ? Bởi lẽ, với các doanh nghiệp trong ngành du lịch gần như không có doanh thu trong 2 năm qua. Để phục hồi được cần thời gian và phụ thuộc vào thị trường, rất khó chứng minh. Do vậy, chúng tôi rất mong có hướng dẫn cụ thể, làm rõ tiêu chí này. Theo tôi, Nhà nước nên theo hướng cho doanh nghiệp ký cam kết hoặc xem xét tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm gần nhất (2018 - 2019) để định giá và hỗ trợ họ.

Hiện, các doanh nghiệp du lịch đang vướng về nợ ngân hàng và nợ đối tác. Đối với ngân hàng có sự e dè cấp vốn cho các doanh nghiệp này. Vì thế, Nghị quyết của Quốc hội xác định cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng thực sự rất có ý nghĩa. Quy định để tiếp cận vốn này cần thuận tiện hơn cho doanh nghiệp, nên ưu tiên cho những doanh nghiệp có uy tín, thực lực trên thị trường.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long:
Cần cụ thể hóa mục tiêu

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ riêng cho sự phát triển của thành phố mà còn lan tỏa với toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với 6 cơ chế đặc thù, đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ sẽ tạo sức kéo để gia tăng giá trị nông sản của toàn vùng. Kinh nghiệm của thế giới đã cho thấy, việc phát triển công nghiệp chế biến sẽ đóng góp quan trọng cho kinh tế nông nghiệp bởi làm gia tăng giá trị. Chẳng hạn, tại Thái Lan, nông nghiệp chỉ chiếm 8% GDP nhưng công nghiệp thực phẩm chiếm 21% GDP. Xét thực tế đồng bằng sông Cửu Long, với 3 sản phẩm chủ lực gồm thủy sản (chiếm khoảng 60% giá trị thủy sản cả nước); trái cây (chiếm khoảng 65%); lúa gạo (trên 50% sản lượng và 90% giá trị xuất khẩu), khi xây dựng trung tâm này sẽ tạo hệ đệm cho kinh tế nông nghiệp, giảm tỷ trọng thô, tăng tỷ trọng chế biến.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết, trước tiên và quan trọng nhất là phải đặt cơ chế đặc thù này trong quy hoạch tích hợp TP. Cần Thơ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đến, phải bảo đảm các yếu tố về đất sạch để kêu gọi đầu tư; nâng cao năng lực của chính quyền đô thị; ưu tiên xây dựng hạ tầng gồm giao thông và logistics cấp vùng. Đặc biệt, rất cần sự đồng tình ủng hộ của các địa phương trong vùng và sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành trung ương nhằm thúc đẩy liên kết vùng cũng như vai trò của TP. Cần Thơ trong liên kết.

Với mỗi cơ chế đặc thù, cần có chương trình, đề án cụ thể, trong đó đặt ra mục tiêu, nội dung thực hiện và phải có đánh giá, phản hồi theo từng năm, đánh giá giữa kỳ và tổng kết 5 năm. Điều này đồng nghĩa phải vừa lồng ghép vừa cụ thể hóa các mục tiêu thì Nghị quyết mới thực sự hiệu quả!

Đan Thanh