Cán bộ y tế tuyến đầu

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 15:04 - Chia sẻ
“Siêu lây nhiễm”, “chưa từng có tiền lệ”… là những từ dùng để mô tả về đợt dịch Covid-19 tại Bắc Giang. Thế nhưng, đợt dịch tại TP. Hồ Chí Minh kể từ đầu tháng 7 tiếp tục phá vỡ các “kỷ lục” trước đó cả về số ca F0, tốc độ lây nhiễm và bệnh nhân tử vong. Những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ ngành y tại tâm dịch là không thể kể hết nhưng vượt lên tất cả vẫn là tinh thần hết lòng vì người bệnh, quyết tâm dập tắt dịch bệnh, trả lại bình yên cho đất nước…

3 bác sĩ với 150 bệnh nhân

Đây là câu chuyện ở Bệnh viện Dã chiến số 2 TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, Bệnh viện dã chiến số 2 có hơn 250 cán bộ, nhân viên y tế của nhiều bệnh viện trong thành phố, trong đó 55 người từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt (RHM) Trung ương TP. Hồ Chí Minh (20 bác sĩ và 35 điều dưỡng).

Đội phó đội xung kích Bệnh viện Răng Hàm Mặt (RHM) Trung ương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Khánh cho biết, “Bệnh viện dã chiến số 2 chỉ nhận bệnh nhân F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ, không có bệnh lý nền. Nhiệm vụ của bác sĩ, nhân viên y tế tại đây không chỉ chăm sóc bệnh nhân về vấn đề bệnh lý mà về tinh thần, còn trấn an, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân thường xuyên. Khi nào vượt quá chức năng của Bệnh viện, sẽ chuyển bệnh nhân lên tầng cao hơn”. Được biết, trong một tầng, có khoảng 16 phòng, tương ứng với 150 bệnh nhân, tại đây sẽ có 3 bác sĩ và 9 điều dưỡng chăm sóc.

Bác sĩ Khánh chia sẻ, ngoài việc trực 24/24, các bác sĩ và điều dưỡng sẽ đi thăm bệnh nhân tối thiểu 2 lần/ngày, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe và diễn biến tâm lý của bệnh nhân. Các y bác sĩ xác định, theo dõi sát những bệnh nhân chuyển nặng để chuyển bệnh nhân đi sớm nhất có thể.

Điều khiến bác sĩ Khánh lo lắng là số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều, nhưng nhân viên y tế lại ít đi. Một số cán bộ, nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, khiến số lượng người điều trị giảm, áp lực công việc tăng lên.

“Chúng tôi không thể đong đếm áp lực bằng con số mà chỉ có thể dùng cái tâm của bác sĩ để giải quyết vấn đề. Mặc dù chúng tôi được chuẩn bị trang thiết bị bảo hộ rất bài bản và đầy đủ nhưng vẫn không tránh khỏi những chuyện đáng tiếc. Điều đó không phải làm nao lòng chúng tôi, anh em sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau hoàn thành công việc” - Bác sĩ Khánh chia sẻ.

Tranh thủ từng phút để chống dịch

Cán bộ, sinh viện Đại học Y Dược Thái Bình cùng cán bộ đoàn Tân Phú tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm cho các khu dân cư.
Cán bộ, sinh viện Đại học Y Dược Thái Bình cùng cán bộ đoàn Tân Phú tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm cho các khu dân cư.

Ở một chiến trường khác, các chiến sĩ áo trắng và áo xanh cũng đang tranh thủ từng phút để lấy mẫu xét nghiệm nhằm tách F0 khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất.

Trong số lực lượng cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên đại học y dược khắp cả nước chi viện cho TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19, có đoàn từ Thái Bình. Ngay từ khi đặt chân đến thành phố đông dân nhất phương Nam, 60 bác sĩ, điều dưỡng của Sở Y tế Thái Bình và 350 giảng viên, sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình đã nhận nhiệm vụ tại các điểm dịch nóng.

350 giảng viên, sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình xung kích đến các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh để lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm 5K.

Tại Quận Tân Phú, vượt qua mưa nắng thất thường, 50 cán bộ, sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình ráo riết triển khai lấy mẫu xét nghiệm. Để đạt hiệu quả cao, mỗi “chiến sĩ áo trắng” được phân công một “chiến sĩ áo xanh” hỗ trợ. Các “chiến sĩ áo xanh” chính là các bộ đoàn ở địa phương. Họ thông thạo từng ngõ, ngách nên có trách nhiệm đưa các sinh viên y khoa đi lấy mẫu. Đến mỗi địa điểm lấy mẫu, các cán bộ đoàn mặc đầy đủ quần áo bảo hộ theo quy định. Sau khi kêu gọi, thông báo người dân ra lấy mẫu thì các cán bộ đoàn sẽ làm nhiệm vụ ghi chép thông tin, dữ liệu của người được lấy mẫu. Nhiều thành viên đoàn lấy mẫu xét nghiệm còn hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội. 

Chia sẻ với báo chí, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) TS Nguyễn Hùng Long, thành viên Tổ công tác của Bộ Y tế phụ trách địa bàn Tân Phú khẳng định, chiến thuật sánh vai này rất hiệu quả. Mỗi cán bộ đoàn như một “thổ địa” sẽ hỗ trợ đắc lực việc đi lại cho các nhân viên lấy mẫu. Đây là chiến thuật cần lan tỏa rộng rãi để nâng cao hiệu quả chống dịch.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương