Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021

Vướng mắc cụ thể ở văn bản pháp luật nào?

- Chủ Nhật, 03/10/2021, 05:47 - Chia sẻ
Đánh giá về nguyên nhân nảy sinh khiếu nại, tố cáo năm 2021, báo cáo của Chính phủ cho rằng, có nguyên nhân từ việc một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Tại Phiên họp toàn thể thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Pháp luật, các đại biểu đề nghị cần chỉ rõ hạn chế ở đâu và đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan cụ thể.
Toàn cảnh phiên họp thẩm tra báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 (ngày 30.9.2021)

Nguyên nhân quen, giải pháp không mới

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm rõ rệt so với năm 2020, trong đó, số lượt người giảm 21,6%, số lượt đoàn đông người giảm 9%, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 22,1%.

Về các vụ việc đông người, phức tạp, Phó Tổng thanh tra Chính phủ nhận định, phần lớn là các vụ việc khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai, phát sinh từ nhiều năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm, hoặc là những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, thậm chí có vụ việc đã được kiểm tra, rà soát, giải quyết theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu nại, tố cáo với thái độ bức xúc, gay gắt.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ 4 nhóm nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo hiện nay gồm: Quá trình thực thi pháp luật; tiến hành thanh tra, kiểm tra, phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết vụ việc; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận thức của người khiếu nại, tố cáo; do chính sách, pháp luật. Trong đó, Chính phủ nhận định, những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật và quá trình thực thi là nguyên nhân chính gây khiếu nại, tố cáo thời gian qua.

Chính phủ cũng yêu cầu, các bộ, ngành Trung ương rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, quan tâm phối hợp, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nguyên nhân “một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân” không phải nguyên nhân mới, đã được đề cập trong báo cáo về nội dung này những năm trước đây của Chính phủ. Nguyên nhân này đã quen, nhưng ông Phạm Văn Hòa nhận thấy, giải pháp, nhiệm vụ được Chính phủ đưa ra chung chung, cũng chưa chỉ rõ hạn chế nào trong pháp luật về đất đai, nhà ở làm nảy sinh khiếu kiện của người dân, trong đó có nhiều vụ khiếu kiện kéo dài.

Điểm mới trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 là đưa ra so sánh số liệu từ năm 2017 đến năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc so sánh giữa các năm trong giai đoạn này về số liệu thống kê sẽ cho thấy kết quả tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo (cho thấy có nguyên nhân nào đã được khắc phục hay chưa được khắc phục); phân tích kết quả giải quyết tố cáo hàng năm; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến các bộ, ngành giải quyết. Đưa ra số liệu, kết quả giải quyết từng năm là một căn cứ để Ủy ban Pháp luật đưa ra đánh giá về thực hiện các công tác này. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Báo cáo của Chính phủ về công tác này trong thời gian tới cần đưa ra các số liệu thống kê so sánh giữa các năm, giúp nhìn thấy rõ sự chuyển biến cụ thể, cũng như thấy đặc thù trong từng năm.

Hoàn thiện pháp luật là trọng tâm

Đối chiếu với báo cáo về nội dung này của Chính phủ trong một vài năm trước, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, năm 2020 Chính phủ cho biết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành trên 1.500 văn bản, trong đó, đã tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc lĩnh vực đất đai nhằm từng bước khắc phục nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, kết quả đến nay cho thấy, tỷ lệ đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai trong năm 2021 không những không giảm mà tăng 3,1% so với năm 2020. Trước tình trạng này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đánh giá, phân tích kỹ hơn vấn đề này, làm rõ việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật thời gian qua như vậy đã đúng, đã trúng, đã kịp thời chưa? Nguyên nhân nào dẫn đến tình hình khiếu nại về đất đai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn? Từ đó đề ra giải pháp thực sự có hiệu quả. 

Bên cạnh khiếu nại về đất đai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương lưu ý, dù số lượng và số vụ việc tố cáo giảm mạnh so với năm 2020 nhưng nội dung chủ yếu vẫn là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ. Đáng lưu ý là đơn tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 84,6% tổng số đơn tố cáo, tăng cao so với những năm trước đó.

Nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ tình hình trên là do thực trạng hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn nhiều bất cập, người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự liêm chính, khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp hay vì lý do nào khác? Bởi, như lý giải của đại biểu Phạm Văn Hòa, nếu cơ quan công quyền ban hành 10 quyết định hành chính thì có 8 quyết định bị người dân khiếu nại sẽ bắt buộc phải xem quyết định có đúng quy định pháp luật không. Việc quyết định hành chính đúng quy định pháp luật sẽ giúp giảm thấp nhất tình trạng khiếu kiện của công dân, cũng giúp các cơ quan hữu quan không phải mất thời gian giải quyết những vụ việc này. 

Với những hiện tượng nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam cho rằng, trong các giải pháp, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022, Chính phủ cần đặt trọng tâm ưu hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường thực hiện, để góp phần xử lý những vấn đề nóng, cũng như giải quyết những vướng mắc từ sớm, từ xa. Ông cũng cho rằng, “không khó nhận diện” các ưu tiên này vì ngay trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ, trong đó, đơn cử như tố cáo liên quan đến lĩnh vực hành chính tăng 19,8% so với năm 2020 hay lĩnh vực đất đai tăng 3,1%... Hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xây dựng, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba. Ông Lê Minh Nam cho rằng, đây là một cơ hội để Thanh tra Chính phủ rà soát, đánh giá những vướng mắc, hạn chế từ quy định pháp luật và quá trình thực thi trong thời gian qua, từ đó đưa ra những đề xuất hữu ích cho sửa đổi Luật Đất đai, góp phần giảm khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này trong thời gian tới.

Lê Bình