Vườn xưa rộn tiếng chim về

- Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:49 - Chia sẻ
Những vườn nối vườn trong một xóm quê yên tĩnh, đã óng ả xanh lại bấy lâu khi tình yêu thiên nhiên thức dậy ở mỗi con người, đủ để lại trở thành nơi nương náu an lành cho bầy chim sớm tối...

Đã lâu lắc rồi, giờ tôi mới lại thấy chim về nơi khu vườn mẹ tôi nhiều đến thế. Lạ thay, xóm quê bây giờ nhà cao vườn hẹp, tường cao cổng kín toàn những gạch sắt bê tông. Từng đàn chào mào, chích bông, sáo sậu, chim sẻ và những loài chim gì tôi không biết rõ, từ đâu chiu chít ràn rạt bay qua sân nhà tôi, chao lượn một thoáng rồi sà xuống những đám xanh um nào nhãn, hồng bì, mít, na và vú sữa. Nhìn theo đường bay của những cánh chim và tôi đã hiểu, vì sao đã từng vắng bóng suốt bao năm qua, giờ đây chim lại bay về.

Xóm quê từ thuở tôi còn nhỏ xíu đến giờ, chỉ có vỏn vẹn mươi nóc nhà. Nhà nào trước kia cũng trồng những giậu trúc giậu duối, râm bụt hay găng, cúc tần. Chim chóc về kết tổ, kiếm mồi ở khắp các bờ giậu, vườn cây, trẻ con ra vườn chơi, chỉ cần ngó nghiêng một chốc, tìm vào cây ngái hay bụi trúc, là bắt gặp một ổ chim sâu với vài cái trứng tròn vo, hay mấy chú chim non búng sữa mới mọc lông ống, thấy “kẻ lạ” thì run lên cầm cập rồi rúc cổ vào nách nhau tìm sự bình yên. 

Sẻ là loài chim thường cuốn tổ nơi hốc mái rạ hay hốc tàu cau, bắt chúng cực dễ. Vốn giản dị, không vén khéo như vành khuyên hay chim sáo, sẻ chọn những hốc tàu cau vững chãi, chỉ cần tha thêm mấy cọng rơm rạ cuốn lại đơn sơ là con cháu của chúng có chỗ nương náu an toàn. Sẻ có biết đâu sự bất an lại đến từ chính ham muốn được sở hữu chúng làm vui của con người.

Tôi và lũ trẻ lấm lem nhà quê ngày ấy, không được ai dạy cho rằng việc bắt những chú chim phải lìa xa tổ ấm và cha mẹ của chúng khi chúng còn non bấy run rẩy là phải tội; lại nuôi nhốt chúng trong những chiếc lồng chật hẹp, cho dù chăm bẵm yêu thương, cũng là phải tội. Phải mãi về sau này, khi đã trở thành một cô gái mới lớn, tôi mới hiểu ra điều ấy. Tôi đã giận mình, thương xót chim sẻ biết bao, để rồi, từ những bài thơ đầu tiên tôi viết, đã chấp chới thân thương hình ảnh của loài chim sẻ: “Nàng là con sẻ nâu không biết hót/ Ăn thóc gạo của mẹ trên đồng/ Khoác trên mình bộ lông vũ màu của đất đai”...

Tôi đã nhiều khi đối thoại với đàn sẻ bằng tiếng huýt sáo môi và bằng cả ánh mắt, sự im lặng thổn thức trong lồng ngực một cô gái giàu mơ mộng. Lạ thay, lần nào cả bầy sẻ cũng lặng yên trong thoáng chốc, dỏng tai lên nghe ngóng, và rồi có vài con lên tiếng, rõ ràng là đáp lời với tôi. Khi ấy, tôi có phần tin rằng đàn sẻ đã tha thứ cho tôi và mỗi ngày được no nê, chúng hót như để dâng lời cảm tạ.

 Tiếng hót chim sẻ quả thật chẳng lảnh lót véo von như vành khuyên, chim sáo, nhưng xốn xang rộn ràng vui tai, như tiếng reo báo hiệu niềm vui mùa màng êm ấm. Phải chăng chúng là loài chim của đất, của lúa trên đồng. Chúng ăn thóc gạo nên gần gụi với con người, và sẽ gọi nhau trở về đàn đàn lớp lớp mỗi khi mùa màng sắp đến. Tên chúng còn được gọi là sẻ ri, sẻ đất, sẻ đồng, thân thương, ấm áp, giản dị, hiền lành như thể đất đai.  

Nhưng có một thời, dường như bầy sẻ đã hờn giận hay chán nản với khu vườn nhà tôi. Phải rồi, ấy là những năm tháng cả cánh đồng làng tôi bỏ hoang để bán đất cho các tập đoàn về làm khu công nghiệp. Không còn cây lúa, cả cánh đồng thẳng cánh cò bay, xưa kia cứ qua hết xanh tươi tháng ba ngày tám thì lại vàng hươm lên màu no ấm của chiêm mùa gối vụ, giờ trụi trơ mênh mông biển cát khô cằn. Người ta ùn ùn ngày đêm chở cát về trên những chiếc xe tải lớn rầm rập xóm làng để san lấp mặt bằng, việc ấy khiến bầy sẻ không còn chỗ trú, cũng chẳng có cái ăn. Trong khi ở làng, nhà nhà không còn thóc lúa đem phơi, có tiền đền bù đất đai, lại chặt cây cổ thụ, cây lưu niên, phá hết phên giậu để xây nhà cao tầng, xây tường bao, làm cổng sắt kiên cố. Có lẽ, trong những năm tháng đầy biến động, đổ vỡ ấy, bầy sẻ của tôi đã hoang mang sợ hãi bơ vơ và đói khát, chẳng biết chúng đã phải sải cánh mỏi mệt mà bay đến trú ngụ ở những phương nào. Trong nhiều năm về nhà, tôi thấy khu vườn của mẹ vắng hẳn tiếng chim. Thảng hoặc một vài con cô đơn táo tác, kêu lên những tiếng lẻ loi buồn bã, chỉ để gợi nơi lòng người trắc ẩn một tiếng thở dài.

Bây giờ thì bầy sẻ cùng những loài chim khác đã trở về. Vẫn khu vườn ấy, trong cơn lốc đô thị hóa và nông thôn mới, mà mẹ tôi cũng đã chặt cây, xây tường, thì những cây mới được trồng lại sau đó, giờ đã kịp lớn lên thành vòm cao tán rộng. Những mít, na, nhãn, ổi, hồng bì, vú sữa; những chòm xanh um mát rượi của sanh, si rậm rịt vườn nhà bên, những vườn nối vườn trong một xóm quê yên tĩnh, đã óng ả xanh lại bấy lâu khi tình yêu thiên nhiên thức dậy ở mỗi con người, đủ để lại trở thành nơi nương náu an lành cho bầy chim sớm tối. 

Và kìa, đàn chim sẻ của tôi, chúng đang dàn hàng tăm tắp trên mái ngói, chiu chíu hót lên bài ca no ấm hay tranh cãi gì nhau. Sẻ ơi, dẫu ngoài kia, một khu công nghiệp cồng kềnh đã tiến sát tận rìa làng, thì ở trong này, cây vẫn xanh và vườn đủ rộng...

Tùy bút của Trang Thanh