Đọc sách mùa dịch

Vững tin vun đắp tâm hồn

- Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:55 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 khiến đời sống kinh tế, xã hội bị xáo trộn, các hoạt động cộng đồng phải ngưng trệ, trong đó có thư viện. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch PHẠM QUỐC HÙNG cho rằng, đây cũng là cơ hội để các thư viện chuyển đổi mô hình phục vụ người đọc theo hình thức thư viện trực tuyến. Thông qua hình thức này, người yêu sách sẽ có được liều “vaccine tinh thần” tiếp sức để vững tin chiến thắng đại dịch.

Liệu pháp tinh thần

- Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người trở nên chậm lại và vì vậy sách được coi là liệu pháp tinh thần giải tỏa lo âu, khủng hoảng và là cơ hội tìm hiểu, bồi bổ thêm kiến thức. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

- Người Việt vốn là một dân tộc ham học, ham đọc, song hiện nay văn hóa đọc của người Việt, đặc biệt ở một bộ phận giới trẻ dường như có chiều hướng giảm. Để đánh giá và nhận định đúng đắn vấn đề này, cần có cái nhìn thấu đáo mang tính tổng quan. Theo tôi, văn hóa đọc hiện nay không giảm, nhưng có thể đã bị tác động và chuyển sang cách thức đọc khác phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Những người trẻ thích tiếp cận thông tin, giải trí, thậm chí học tập trên các phương tiện nghe, nhìn hiện đại hơn là cầm sách lên đọc.

Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, để bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, nhiều người đã tìm lại thói quen đọc sách, tranh thủ những thành tựu của khoa học và công nghệ để khai thác, tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhất, kết hợp hài hòa với cách đọc sách truyền thống, “lắng nghe lời thì thầm của những con chữ”. Tôi tin với thay đổi này, mỗi người đọc sẽ tìm được cho mình phương pháp và cách thức tiếp cận sách hiệu quả.

Có thể nói, trong thời gian thực hiện giãn cách, việc đọc sách với nhiều người đã trở thành lựa chọn lý thú, giúp giải tỏa căng thẳng, nâng cao tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn và gắn kết các thành viên trong gia đình. Rất nhiều nhóm đọc sách trên Facebook dịp này được thành lập, như: “30 phút đọc sách mỗi ngày”, “Đọc sách hay là chết”, “Đọc sách mỗi ngày”... với các bài giới thiệu hấp dẫn thu hút hàng nghìn người quan tâm, chia sẻ. Không chỉ trang bị kiến thức, sách còn là liệu pháp tinh thần giúp mọi người cảm thấy bình thản, vững tin vào công cuộc chống dịch.

- Trước những thay đổi mang tính lịch sử hiện nay, ngành thư viện đã có sự chuyển mình như thế nào để tránh đứt gãy văn hóa đọc của người dân trong đại dịch, thưa ông?

- Trước xu hướng phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng như sự tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của thư viện và nhu cầu, thói quen đọc sách của người dân, từ những tháng đầu năm 2020, Vụ Thư viện đã nỗ lực đẩy mạnh nhiều chương trình truyền thông mạnh mẽ. Đặc biệt, chúng tôi đã tăng cường các hoạt động giới thiệu sách trực tuyến trên cả nước. Thư viện các tỉnh, thành đưa ra sáng kiến phục vụ bạn đọc tốt hơn, như: Nhận phục vụ nhu cầu mượn sách qua email và gửi sách đến nhà cho bạn đọc; mở dịch vụ miễn phí đọc sách cho trẻ em...

Riêng tại Hà Nội, một số thư viện đẩy mạnh hoạt động phục vụ bạn đọc từ xa với các hình thức: Cung cấp thông tin; tư vấn hướng dẫn bạn đọc sử dụng thư viện trực tuyến; cung cấp danh mục sách và tra cứu sách theo yêu cầu của học viên, sinh viên các học viện, nhà trường; hướng dẫn phương pháp và kỹ năng tra tìm, sử dụng thông tin trực tuyến, nâng cao năng lực tìm kiếm và khai thác thông tin của người sử dụng… Với những thay đổi về cách thức phục vụ của toàn ngành, chúng tôi hy vọng văn hóa đọc, tình yêu với sách của mọi người dân không vơi bớt, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà được bồi đắp nhiều hơn trước những biến động của đời sống.

Lan tỏa văn hóa đọc

- Cùng với nỗ lực của ngành thư viện, đặc biệt sau 2 năm triển khai thực hiện đề án: “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, và “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, xin ông cho biết lượng người sử dụng sách báo đã thay đổi thế nào?

	Sách là một trong những liệu pháp tinh thần giải tỏa lo âu mùa dịch. Nguồn: ĐT
Sách là một trong những liệu pháp tinh thần giải tỏa lo âu mùa dịch.
Nguồn: ĐT

- Quá trình triển khai thực hiện hai Đề án, tại các địa phương, số lượt người sử dụng sách, báo tăng lên đáng kể, hơn 50 triệu lượt. Từ con số này, chúng ta thấy những thời cơ mới cho ngành xuất bản, thư viện, khẳng định hoạt động giới thiệu sách trực tuyến đã thu hút đông đảo bạn đọc tham gia, tạo sức lan tỏa văn hóa đọc mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, xu hướng tiếp cận thông tin và đọc sách dự báo sẽ có nhiều thay đổi, trong đó, tiếp cận thông qua không gian mạng và thông qua các thiết bị điện tử đã và sẽ dần trở thành những phương thức chủ đạo do tính ưu việt của nó, đòi hỏi cần có thêm những biện pháp mới thúc đẩy sự phát triển của các loại hình sách điện tử, sách nói, phát triển các nội dung số liên quan đến khoa học, công nghệ, giúp cho người dân có thể tiếp cận tri thức có giá trị.

Khi đó, vấn đề đặt ra đối với ngành thư viện không đơn thuần là việc tăng cường tài liệu hay số lượng người đọc sách giấy thuần túy, mà phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin, đặc biệt là thông tin số phục vụ cho các nhóm đối tượng chuyên biệt trong cộng đồng hướng đến nâng cao năng lực thông tin cho người dân. 

- Thực tế, ngành xuất bản cũng như thư viện dù có những nỗ lực song vẫn hết sức khó khăn trong việc duy trì hoạt động, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Vậy, trước những điểm nghẽn hiện tại, ngành thư viện cần có sáng kiến nào để đưa văn hóa đọc đến gần hơn với công chúng?

- Những năm trước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn tổ chức cuộc thi thường niên tuyên truyền giới thiệu sách, là sân chơi dành cho người làm công tác thư viện, được phân chia thành nhiều khu vực, để chọn những gương mặt xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết toàn quốc. Tuy nhiên, năm nay vì tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể tổ chức trực tiếp theo cách thức cũ và cũng để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến “Cuốn sách tôi yêu” trên Kênh Youtube “Sách và Trí tuệ Việt” tại địa chỉ: bit.ly/cuonsachtoiyeu2021 mở rộng hơn cho nhiều đối tượng bạn đọc. Đây có thể xem là cách làm kịp thời, phù hợp trong tình hình hiện nay, nhằm tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tuy nhiên, thời gian tới để văn hóa đọc ngày càng được quan tâm, thiết nghĩ, các địa phương cần đổi mới việc cung ứng dịch vụ thư viện theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thông qua không gian mạng phục vụ người sử dụng. Đặc biệt, chú trọng triển khai các hoạt động thư viện trên tinh thần linh hoạt, sáng tạo, vừa bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vừa phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức và hỗ trợ việc học tập của người dân. Thực hiện tốt công việc này, tôi cho rằng sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc tiếp tục lan tỏa tri thức qua những trang sách đến với người dân, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam ngày càng tốt đẹp.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Sen thực hiện