Vui, buồn với xuất nhập khẩu

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 05:28 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%. Như vậy, nước ta ước tính nhập siêu 369 triệu USD.

Gần đây hơn, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá nhập khẩu 5 tháng qua ước chỉ đạt 130,81 tỷ USD, thấp hơn con số Tổng cục Thống kê đưa ra. Kéo theo đó, cả nước dự kiến xuất siêu 131 triệu USD.

Tuy nhiên, giống như từ năm 2010 đến nay, cán cân thương mại dù thặng dư hay thâm hụt thì khu vực kinh tế trong nước vẫn luôn trong tình trạng nhập siêu và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn xuất siêu. Cụ thể, 5 tháng qua, khu vực trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD và khu vực FDI (gồm cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên nhanh chóng: Năm 2020 là 71%; 5 tháng đầu năm nay là 75% (nếu không kể dầu thô cũng chiếm tới 74,5%).

Như vậy có thể thấy, xuất siêu hoặc nhập siêu và nhiều hay ít là do khu vực FDI mang lại. Xuất siêu cơ bản cũng do những sản phẩm của khu vực FDI sản xuất. Điều này tạo ra thu nhập không đáng kể cho Việt Nam trong chuỗi giá trị của sản phẩm và không có lợi cho dài hạn bởi vì làm thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (GNDI) và tiết kiệm (saving) nhỏ lại.

Niên giám thống kê (số liệu chính thức có đến năm 2019) cho thấy Việt Nam xuất siêu từ năm 2016 (1,6 tỷ USD) và tăng dần: Năm 2017 là 1,9 tỷ USD, năm 2018 là 6,5 tỷ USD và năm 2019 là 10,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực FDI xuất siêu tương ứng từ năm 2016 đến 2019 là 23,8 tỷ USD; 27,1 tỷ USD; 32 tỷ USD và 34,5 tỷ USD. Đáng chú ý là số tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài trong giai đoạn này, khoảng 14 - 17,2 tỷ USD, chiếm gần 50% xuất siêu của khu vực FDI.

Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm theo giá hiện hành năm 2010 - 2020 là 11,1%, thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng bình quân 16%/năm của chi trả sở hữu ra nước ngoài giai đoạn 2010 - 2019. Điều này dẫn tới chênh lệch giữa tiết kiệm của quốc gia (national saving) với đầu tư và tích luỹ tài sản ngày càng lớn. Từ năm 2015 - 2019, tỷ lệ tiết kiệm quốc gia nhỏ hơn tỷ lệ đầu tư và tích luỹ so với GDP. Điều này thực sự là một cảnh báo thay vì vui mừng khi GDP tăng trưởng.

Theo vùng lãnh thổ, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ và EU 5 tháng đầu năm nay 40,6 tỷ USD và nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN 41,8 tỷ USD. Như vậy, phải chăng Việt Nam là quốc gia chung chuyển hàng hóa giữa thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN?

Trong bức tranh xuất khẩu 5 tháng đầu năm, điểm sáng chính là kim ngạch nhóm hàng nông, lâm sản 9,69 tỷ USD, tăng 13,5%, nhóm hàng thủy sản đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%. Bởi lẽ, tính toán từ bảng cân đối liên ngành cho thấy xuất khẩu những nhóm ngành này có chỉ số lan tỏa cao đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

TS. Bùi Trinh