Vốn trái phiếu Chính phủ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:28 - Chia sẻ
Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động về mọi mặt, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động thành công hơn 183 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với lãi suất hợp lý, ổn định, qua đó tiết kiệm chi phí cho ngân sách. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, 70 - 80% trong tổng mức vay trong nước hàng năm của Chính phủ, đáp ứng mục tiêu tăng dần tỷ trọng vốn vay trong nước, bảo đảm an toàn danh mục nợ công.

Đã huy động 183,4 nghìn tỷ đồng

Do tác động của dịch Covid-19, thị trường tài chính tiền tệ trong nước và thế giới liên tục biến động, tác động trực tiếp đến công tác phát hành trái phiếu Chính phủ của KBNN.

Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2020, đồng thời, giữ lãi suất trái phiếu Chính phủ không biến động tăng mạnh và ổn định thị trường, KBNN đã chủ động phối hợp và đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi tích cực tham gia đấu thầu. Nhờ đó, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ không bị tăng đột biến, từng bước bám sát lãi suất giao dịch trên thị trường thứ cấp và KBNN tăng dần khối lượng vốn huy động đáp ứng nhu cầu chi của ngân sách nhà nước.

Kho bạc Nhà nước điều hành lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ hợp lý.
Nguồn: ITN

Tính đến 30.6.2020, KBNN huy động được 96,1 nghìn tỷ đồng đạt 31,1% kế hoạch năm; kỳ hạn phát hành bình quân là 14,01 năm; lãi suất bình quân 2,99%/năm.

Sang đến tháng 7 và 8, hầu hết các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ đều đạt được tỷ lệ thành công rất cao. Cập nhật đến phiên đấu thầu gần đây nhất (ngày 9.9), KBNN huy động được 183,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Các chuyên gia cho biết, hiện nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ vẫn rất lớn, dù lãi suất trái phiếu đã giảm. Và các ngân hàng vẫn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu Chính phủ hiện nay.

Mới đây, Thủ tướng có chủ trương tăng tỷ lệ vay vốn trên GDP để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển và hỗ trợ nền kinh tế, ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020, nhiệm vụ vay của Chính phủ khoảng 500 nghìn tỷ đồng, cụ thể vay nước ngoài 105 nghìn tỷ đồng; vay vốn nhà nước 395 nghìn tỷ đồng, trong đó phát hành trái phiếu Chính phủ huy khoảng 310 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo KBNN cho biết, từ nay đến cuối năm, sẽ bám sát tình hình thu chi ngân sách, tiến độ giải ngân vốn đầu tư, kế hoạch trả nợ gốc và tình hình thị trường; điều hành khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp, đẩy nhanh tốc độ huy động vốn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 với mức lãi suất hợp lý, tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách.

KBNN cũng tiếp tục phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu; tập trung phát hành các loại trái phiếu dài hạn từ 5 năm trở lên. Trường hợp thị trường không thuận lợi, sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 - 3 năm với khối lượng bảo đảm trong giới hạn đã được Quốc hội cho phép. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua hoán đổi trái phiếu Chính phủ theo Kế hoạch vay trả nợ công năm 2020 và Đề án tái cơ cấu nợ trong nước giai đoạn 2020 - 2021.

Cải cách toàn diện công tác huy động vốn

Phó Giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy cho biết, thời gian qua, KBNN đã tập trung cải cách toàn diện công tác huy động vốn.

Theo đó, thực hiện chủ trương về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết 07 năm 2016 của Bộ Chính trị, KBNN đã phối hợp với các đơn vị hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý góp phần hiện đại hóa công tác phát hành trái phiếu Chính phủ theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế như: Đấu thầu điện tử theo nguyên tắc cạnh tranh; đa dạng hóa các loại hình trái phiếu Chính phủ và đa dạng kỳ hạn từ 5 - 30 năm.

“Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, 70 - 80%, trong tổng mức vay trong nước hàng năm của Chính phủ, đáp ứng mục tiêu tăng dần tỷ trọng vốn vay trong nước, bảo đảm an toàn danh mục nợ công. Kỳ hạn còn lại danh mục nợ trái phiếu Chính phủ tăng từ 5,98 năm 2016 lên 7,81 tính đến cuối tháng 7.2020. Lãi suất phát hành được điều hành bám sát thị trường và theo hướng giảm dần, góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí vay cho ngân sách nhà nước”, bà Thủy nhấn mạnh.

Theo KBNN, tổng khối lượng huy động vốn trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng; kỳ hạn bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ từng bước được kéo dài từ 1,84 năm vào năm 2011 lên 7,42 năm vào năm 2019 trong khi lãi suất phát hành bình quân giảm dần từ 12%/năm vào năm 2011 còn 4,51%/năm vào năm 2019, thấp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Lãi suất thị trường trái phiếu Chính phủ từng bước trở thành lãi suất định hướng trên thị trường vốn. Đồng thời, quy mô thị trường phát triển nhanh (gấp 12 lần so với năm 2009); đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm - mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và khu vực ASEAN +3.

Hà Lan