Vĩnh Phúc tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 18:32 - Chia sẻ
Nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động khu vực nông thôn, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường

Phát huy thế mạnh

Theo thống kê của Sở Công thương, tỉnh Vĩnh Phúc đang duy trì và phát triển 25 làng nghề; trong đó, có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là: mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế tác đá và chế biến nông - lâm - thủy sản, các làng nghề đã tạo việc làm trên 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Vĩnh Phúc đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất

Đến nay, tỉnh đã hình thành nhiều cụm công nghiệp, vùng sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung như: cụm công nghiệp Tề Lỗ, cụm công Hợp Thịnh, cụm công nghiệp Tân Tiến…Qua đó, đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên là nghề truyền thống có từ lâu. Làng nghề mộc Thanh Lãng có gần 2.000 hộ làm nghề thu hút hơn 6.000 lao động địa phương. Cùng với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để khuyến khích các cơ sở sản xuất mộc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, tạo bước đi bền vững cho làng nghề.

Là con nhà nòi nhưng do thiếu vốn và mặt bằng nên cơ sở sản xuất mộc của anh Nguyễn Văn Tú, thị trấn Thanh Lãng còn khá khiêm tốn và ít được khách hàng biết đến. Sau đó, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, anh Tú đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy đục CNC. Cùng đó, anh còn chủ động bỏ thêm vốn đầu tư mở rộng xưởng sản xuất và xây dựng trung tâm trưng bày sản phẩm. Việc đâu tư hai thiết bị máy móc mới giúp cơ sở mộc của anh Nguyễn Văn Tú gia tăng sản lượng dự kiến từ 10 -12 sản phẩm/tháng lên 20 sản phẩm/tháng.

Ngoài ra, cơ sở còn là đầu mối đục thuê cho các cơ sở khác với công xuất khoảng 1000 chi tiết/tháng.  Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tú còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 lao động với mức lương ổn định 6 triệu đồng/người/tháng.

Tạo đà phát triển

Những năm qua, tình hình phát triển công nghiệp nông thôn ở tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự hình thành các cụm công nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhân cấy nghề của các làng nghề... giải quyết lao động dư thừa tại chỗ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, phát triển công nghiệp nông thôn ở các huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế sẵn có do thiếu vốn đầu tư cơ sở sản xuất, thiếu lao động tay nghề cao, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, tự phát…

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc cho biết, để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều hành động, ban hành nhiều cơ chế nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Cụ thể là, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 143 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gia công cơ khí, xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, mộc… được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Năm 2019, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 32 đề án hỗ trợ mua máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ là 3 tỷ đồng.

Chương trình khuyến công của tỉnh Vĩnh Phúc còn thực hiện tổ chức 11 lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức hội thảo chuyên đề tuyên truyền về sản xuất sạch hơn cho 400 cán bộ quản lý và lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ cho 27 đơn vị xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm. Một số thương hiệu sau khi được đăng ký bảo hộ có xu hướng phát triển tốt như: Tương Khả Do của Hội phụ nữ xã Nam Viêm, thành phố Phúc Yên; Tôn Việt Pháp của Công ty TNHH MTV thương mại Nam Sơn Thịnh, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên.

Tỉnh cũng đã triển khai 2 cuộc bình chọn cho 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và hỗ trợ 2 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại đơn vị. Cùng đó, thực hiện tư vấn lập dự án đầu tư, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói... cho 20 cơ sở với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng.

Để hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại những hiệu quả thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất.

Theo đó, tỉnh ưu tiên những đề án đổi mới và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng, tài nguyên bản địa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vĩnh Phúc chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cải tiến phương thức giao kế hoạch khuyến công, tạo thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký các đề án kế hoạch khuyến công quốc gia.

CTV