Vĩnh Phúc gỡ khó cho "tam nông"

- Thứ Hai, 14/06/2021, 06:41 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, gia trại phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng khiến doanh thu sụt giảm, cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được tỉnh Vĩnh Phúc tập trung thực hiện.

Hợp tác xã nông nghiệp cần tự đổi mới 

Với diện tích 10ha chuyên sản xuất các loại rau, củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường Vĩnh Phúc và Hà Nội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc (xã Kim Long, huyện Tam Dương) nhiều năm qua đều đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho 40 thành viên. Tuy nhiên, kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn, sản lượng rau, củ, quả tiêu thụ của HTX đã giảm xuống hơn 2/3, thu nhập của HTX giảm đến gần 70%... Giám đốc HTX Kiều Thị Huệ cho biết: Thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là một số doanh nghiệp chuyên cung ứng nguyên liệu cho các bếp ăn trường học, bếp ăn công nghiệp ở TP. Hà Nội và một số thương lái lớn trên địa bàn tỉnh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các kênh này gần như bị gián đoạn, các sản phẩm không tiêu thụ được. Hiện, HTX đang để trống 3ha đất sản xuất tại xã Vân Hội (huyện Tam Dương) chưa dám xuống giống vì còn chờ diễn biến tình hình dịch bệnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của nông dân huyện Lập Thạch
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của nông dân huyện Lập Thạch

Không chỉ có HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, nhiều HTX khác như: HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh; HTX Nông nghiệp Đại Lải; HTX Nông nghiệp và dịch vụ Taca; HTX Rau an toàn Visa… cũng đang trong tình cảnh tương tự. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 230 HTX nông nghiệp (chiếm hơn 32% tổng số HTX trên địa bàn) thì chỉ có hơn 180 HTX đang hoạt động; số còn lại đã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể. Tổng số lao động làm việc trong các HTX nông nghiệp hiện khoảng 80 nghìn người. Dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn các kênh tiêu thụ sản phẩm của hầu hết các HTX, nhiều HTX phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng khiến cho thu nhập của các thành viên, người lao động bị giảm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình cảnh hiện tại của các HTX nông nghiệp ngoài yếu tố khách quan do dịch bệnh thì vấn đề quan trọng đến từ chính bản thân các HTX, chưa chủ động xây dựng chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh lâu dài. Mặt khác, các HTX này đã thiếu linh hoạt, chưa chủ động đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm nên khi gặp những tình huống đột xuất, bất ngờ dễ bị gián đoạn chuỗi sản xuất, tiêu thụ.

Vì vậy, bên cạnh các cơ chế, chính sách của Nhà nước và sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan chức năng, mỗi HTX cần phải tự đổi mới mình để thích ứng; chủ động liên kết sản xuất thực phẩm sạch gắn với xây dựng thương hiệu, tính chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng tiêu thụ sản phẩm qua các kênh trực tuyến để hạn chế tác động của dịch bệnh.

Nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu 

Mới đây, đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại một số địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương, đặc biệt là bà con nông dân đã phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo trong sản xuất các mặt hàng được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Qua các mô hình này, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhận thức của người dân và xu thế làm nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu và là yếu tố sống còn trong phát triển kinh tế nông thôn. Người nông dân bây giờ phải là nông dân thời đại 4.0, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường... nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Để tháo gỡ khó khăn cho “tam nông” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị: Chính quyền các địa phương và người nông dân cần chung tay phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, có giải pháp phù hợp duy trì ổn định, tiếp tục phát triển sản xuất. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phát huy tốt vai trò định hướng chiến lược để người nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao và bền vững trong sản xuất; làm cầu nối hoặc trực tiếp triển khai các biện pháp chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây, con giống và phương pháp chăm sóc cho nông dân. Cùng với đó, có dự báo bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm; khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, theo hướng hàng hóa, sản xuất nông nghiệp sạch bằng các phương pháp sử dụng công nghệ cao.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cũng đề nghị, chính quyền các địa phương quan tâm chủ động tham mưu triển khai sâu rộng những chính sách liên quan đến phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Mặt khác, bản thân người nông dân phải chú trọng việc sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; có kế hoạch sản xuất bài bản, khoa học và bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá. Các ngành liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản để kịp thời tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ về vốn, đất đai mở rộng quy mô sản xuất...

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục huy động nguồn lực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, tạo điều kiện cho xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Mặt khác, sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, HTX liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển thêm các sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp tỉnh trở lên.

 

TRỌNG HIẾU