Viết tay - kỹ năng mềm thời kỹ thuật số

- Thứ Hai, 02/11/2020, 07:16 - Chia sẻ
Theo giáo sư khoa học thần kinh Audrye van der Meer thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, việc trẻ em được dạy viết tay ở trường là điều rất quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng mềm, giúp các em dễ dàng thích nghi hơn trong thế giới số hóa và công nghệ phát triển không ngừng.

Chứng minh bằng khoa học

Theo World Economic Forum, trong một nghiên cứu nhỏ mới đây, dựa trên công trình trước đây của mình vào năm 2017, GS. Audrye van der Meer đã đưa 12 thanh niên và 12 trẻ em đến máy điện não đồ (EEG) để theo dõi và ghi lại các mẫu sóng não. Mục đích là nhằm xem vùng não nào được kích hoạt bằng cách viết bằng bút và giấy. 15 từ khác nhau hiển thị trên màn hình và người tham gia được yêu cầu sử dụng bút kỹ thuật số để viết, vẽ chúng lên màn hình cảm ứng và đánh lên bàn phím.

Nguồn: The Guardian
Nguồn: The Guardian

Nghiên cứu được công bố trên tờ Frontiers in Psychology cho thấy, các bộ phận của não được kích hoạt như thế nào khi đối tượng vẽ và viết bằng tay. Phát hiện cho thấy sự chuyển động và nỗ lực nhận thức từ hai hoạt động trên (trái ngược với hành động gõ ngón tay lặp đi lặp lại) cho phép não bộ mã hóa thông tin mới tốt hơn.

Nhóm tác giả viết: “Những chuyển động tinh tế và được kiểm soát chính xác liên quan đến chữ viết tay góp phần vào các mô hình kích hoạt não liên quan đến khả năng học tập. Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào về kiểu kích hoạt như vậy khi sử dụng bàn phím”. Có vẻ như hành động đưa bút trên giấy (hoặc bút stylus cảm ứng lên màn hình), liên quan đến trải nghiệm giác quan nhiều hơn, hay nói như GS. Van der Meer, nó đem lại cho não nhiều “chiếc móc” hơn để lưu giữ ký ức.

Bà cho biết: “Rất nhiều giác quan được kích hoạt bằng cách nhấn bút lên giấy, cũng như nhìn thấy các chữ cái bạn viết và nghe âm thanh tạo ra khi viết. Những trải nghiệm giác quan này tạo ra sự tiếp xúc giữa các phần khác nhau của não, đồng thời mở ra khả năng học tập của não. Nhờ vậy, chúng ta đều học và ghi nhớ tốt hơn”.

Năm 2018, các nhà nghiên cứu từ Đại học Princeton và Đại học California, Los Angeles, Mỹ cũng từng tiến hành một loạt nghiên cứu để chứng minh sự khác biệt giữa sinh viên ghi chép bằng tay và đánh máy. Sinh viên đã ghi chép bài giảng bằng cách sử dụng một trong hai phương pháp và được thực hiện một bài kiểm tra 30 phút một tuần ngay sau đó. Kết quả là sinh viên viết tay có thể nhớ và hiểu bài giảng tốt hơn.

Kỹ năng mềm thời công nghệ

Trước khi đại dịch Covid-19 buộc nhiều trường học trên khắp thế giới phải đóng cửa và tăng thời gian sử dụng thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, máy tính bảng… để làm công cụ học từ xa, khảo sát EU Kids Online 2020 đã cho thấy, việc sử dụng điện thoại thông minh và internet của trẻ em ở 19 quốc gia Liên minh châu Âu đã tăng theo cấp số nhân trong một thập kỷ qua. Thậm chí, ở một số nơi, trẻ em dành hơn 3 giờ mỗi ngày trên màn hình.

Thực tế, nhiều quốc gia bao gồm Phần Lan, Na Uy và Mỹ gần đây đã loại bỏ các bài học tập viết chữ thảo (viết cả từ mà không cần nhấc bút), thay vào đó là các tiết học đánh máy, để giúp trẻ em thành thạo những kỹ năng kỹ thuật số. Tuy nhiên, GS. Van der Meer cho rằng, mặc dù học kỹ thuật số là quan trọng, nhưng “duy trì thực hành viết tay trong trường học”, một loại kỹ năng mềm, cũng quan trọng không kém, bởi nó tạo ra nền tảng sôi động cho việc học. “Một môi trường học tập tối ưu cần bao gồm những gì tốt nhất từ tất cả các ngành học, xem xét những điểm mạnh và sự hỗ trợ của từng ngành. Bằng cách đó, sự phát triển nhận thức và hiệu quả học tập đều có thể được tăng cường, đồng thời học sinh, sinh viên ở mọi lứa tuổi cũng như giáo viên có thể bắt kịp với sự phát triển công nghệ lẫn những thách thức kỹ thuật số sắp tới”, GS. Van der Meer nói.

Tại Vương quốc Anh, có nhiều nghiên cứu đáng khích lệ xung quanh lợi ích của kỹ năng mềm trong việc giúp đỡ thế hệ lao động tiếp theo. Hiện nay, giáo dục về cá nhân, xã hội, sức khỏe và kinh tế là bắt buộc đối với thanh thiếu niên, nhằm phát triển tính kiên cường, lòng tự trọng, khả năng quản lý rủi ro, làm việc nhóm và tư duy phản biện xét trong bối cảnh sức khỏe và hạnh phúc, các mối quan hệ cũng như cuộc sống bên ngoài (bao gồm phúc lợi kinh tế và mọi khía cạnh của giáo dục nghề nghiệp). Năm 2019, Trường Kinh tế London đã nghiên cứu thử nghiệm 4 năm chương trình giảng dạy Healthy Minds dựa trên kỹ năng mềm và nhận thấy nó cải thiện sức khỏe thể chất của học sinh, đồng thời mở rộng nguyện vọng nghề nghiệp của các em, bao gồm cả việc giảm khả năng các em nam hay theo con đường sự nghiệp truyền thống mà nam giới thống trị.

Thật khó để giải mã thị trường việc làm trong vài thập kỷ tới, nhưng các kỹ năng mềm đang có sức hút như những phẩm chất quan trọng cần mang đến cho môi trường làm việc. Cách đây 2 năm, phát biểu tại Davos, tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, cho rằng thế giới cần thay đổi cách dạy trẻ em để phân biệt con người với trí tuệ nhân tạo. Ông nhấn mạnh, “chúng ta phải dạy con cái của mình điều gì đó độc đáo, để một cỗ máy không bao giờ có thể bắt kịp chúng ta. Đó là giá trị, niềm tin, tư duy độc lập, khả năng làm việc nhóm, quan tâm lẫn nhau và những kỹ năng mềm như thể thao, âm nhạc, hội họa, để bảo đảm rằng con người hoàn toàn khác với máy móc.

Ngọc Minh