Uruguay: Cơ quan lập pháp gần 100 năm tuổi

- Thứ Hai, 17/04/2023, 06:24 - Chia sẻ

Đại hội đồng Uruguay hay Quốc hội là cơ quan lập pháp của Cộng hòa Đông Uruguay, bao gồm hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Quốc hội gồm 130 thành viên, trong đó 99 hạ nghị sĩ, 30 thượng nghị sĩ và một người là Phó Tổng thống, kiêm Chủ tịch Quốc hội. 

Phòng họp Thượng viện tháng 12.2021 - Presenta Latina
Phòng họp Thượng viện Uruguay tháng 12.2021. Nguồn: Presenta Latina

Cơ quan lập pháp họp tại Dinh Lập pháp ở Montevideo. Cả thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đều có nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc bầu cử lập pháp diễn ra tháng 10.2019 là Khóa Hạ viện và Thượng viện lần thứ 49.

Đại hội đồng tổ chức các phiên họp tại Hội trường Hạ viện tại Cung điện của cơ quan lập pháp. Trong thế kỷ XIX, cơ quan lập pháp đã họp tại tòa nhà Montevideo Cabildo.

Các phiên họp thường kỳ của Quốc hội kéo dài từ ngày 1.3 đến ngày 15.12 hàng năm. Nếu là năm diễn ra bầu cử lập pháp, thì kỳ họp chỉ kéo dài đến ngày 15.9 và Quốc hội khóa mới sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên vào ngày 15.2 năm sau.

Điều 90 của Hiến pháp Uruguay yêu cầu các thành viên của Hạ viện phải từ 25 tuổi trở lên và đã là công dân Uruguay được 5 năm. Trong khi Điều 98 yêu cầu các thành viên của Thượng viện phải từ 30 tuổi trở lên và đã là công dân Uruguay được 7 năm.

Ngoài chức năng quan trọng nhất là lập pháp, Quốc hội được trao quyền giám sát Chính phủ, phê duyệt hoặc từ chối các hiệp ước hòa bình, hiệp định liên minh, hiệp ước thương mại và các công ước dưới bất kỳ hình thức nào mà Chính phủ Pháp ký kết với nước ngoài; cho phép quân đội nước ngoài vào nước này; từ chối hoặc cho phép các lực lượng quốc gia rời khỏi đất nước cũng là một trong những chức năng của Quốc hội. Quốc hội cũng có quyền thành lập Bộ mới, thiết lập phạm vi giới hạn của bộ đó, cũng như thiết lập mức thuế hải quan và thuế xuất khẩu và nhập khẩu… bên cạnh các chức năng khác được quy định tại Điều 85 của Hiến pháp.

Quốc hội Uruguay được thành lập sau một Hiệp ước hòa bình sơ bộ (còn gọi là Hiệp ước Montevideo) năm 1828 ký giữa Chính phủ Argentina và Brazil nhằm chấm dứt chiến tranh giữa các quốc gia; đồng thời công nhận nền độc lập của Cộng hòa Đông Uruguay.

Sau khi các bên ký hòa ước, Tướng Juan Antonio Lavalleja, người đã lãnh đạo Nhóm Ba mươi người phương Đông giành độc lập cho Uruguay vào năm 1825 và sau đó trở thành Tổng thống của quốc gia này, đã kêu gọi thành lập một cơ quan lập pháp cho Uruguay với nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp. Cơ quan lập pháp khi đó có tên là Đại hội đồng lập pháp của Nhà nước được thành lập và nhóm họp lần đầu tiên tại Villa de San José, vào ngày 22.11.1828 với nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp.

Vào thời điểm thành lập, cơ quan lập pháp của Urguay là đơn viện. Nhưng kể từ khi Hiến pháp được ban hành năm 1830, Quốc hội Uruguay trở thành lưỡng viện, và vẫn duy trì mô hình này cho đến ngày nay. Hệ thống bỏ phiếu bầu các nghị sĩ cũng thay đổi: trong thế kỷ XIX, việc bỏ phiếu chỉ dành cho thiểu số và các thượng nghị sĩ đại diện cho thiểu số. Giờ đây, Uruguay áp dụng hệ thống bầu cử phổ thông, bỏ phiếu kín và thượng nghị sĩ đại diện ở cấp quốc gia.

Từ đó đến nay trải qua đã gần một thế kỷ, cơ quan lập pháp của Uruguay cũng chứng kiến những thăng trầm qua các giai đoạn lịch sử, nhiều thời kỳ phải gián đoạn hoạt động. Chẳng hạn khoảng thời gian từ ngày 27.6.1973 đến ngày 14.2.1985 là giai đoạn độc tài dài nhất trong lịch sử đất nước. Trong thời kỳ này, Quốc hội không hoạt động và thay vào đó là Hội đồng Nhà nước, cơ quan này nhóm họp tại phòng họp Thượng viện.

Ngày 15.2.1985, cơ quan lập pháp thứ 42 được thành lập, đưa quốc gia trở lại con đường dân chủ. Cơ quan lập pháp từ đó đến nay cũng không ngừng hoàn thiện, đổi mới cùng với những cải cách để trở thành cơ quan ngày càng mang tính đại diện tốt hơn cho quyền lợi của người dân.

Quỳnh Vũ