Tương lai của kết nối kỹ thuật số ở châu Á

- Thứ Hai, 05/06/2023, 06:11 - Chia sẻ

Hãy tưởng tượng một khách hàng từ Trung Quốc đặt hàng trực tuyến một số sản phẩm cận nhiệt đới từ Thái Lan, thanh toán qua ứng dụng di động và nhận gói hàng được giao trong vòng 3 ngày. Đó sẽ là tương lai của kết nối kỹ thuật số ở châu Á, hứa hẹn sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của châu lục đang nổi này, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Thế kỷ châu Á mở

Thế kỷ XXI từ lâu đã được dự đoán là “thế kỷ châu Á”, đề cập đến sự thống trị của châu Á và Thái Bình Dương trong chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa. Châu Á là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, với lực lượng lao động có tay nghề và trình độ học vấn ngày càng cao. Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo tham dự cũng chỉ ra rằng, sự phục hồi kinh tế sau Covid-19 của châu Á có thể mang lại sự chắc chắn hơn cho sự phục hồi kinh tế của thế giới nếu các nước châu Á có thể nắm bắt cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới thông qua kinh tế số.

commerce.asia.com
Nguồn: commerce.asia.com

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng phát biểu tại diễn đàn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định và thúc đẩy kết nối thương mại ở châu Á thông qua các sáng kiến ​​khu vực và toàn cầu như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu (GDI)… 

Tăng cường kết nối khu vực

Việc phát triển và thúc đẩy một thị trường khu vực rộng lớn cởi mở ở châu Á sẽ chủ yếu dựa vào kết nối xuyên biên giới về thương mại và số hóa. Theo Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, số hóa đã và đang thay đổi hoạt động kinh tế kể từ đầu thế kỷ XXI. Tiến trình số hóa hoạt động kinh tế bao gồm “kết hợp dữ liệu lớn và internet vào các quy trình sản xuất, các hình thức tiêu dùng mới của hộ gia đình và chính phủ, hình thành vốn cố định, dòng chảy xuyên biên giới và tài chính”.

Trong khi Mỹ và các nước châu Âu tập trung xây dựng các quy định về kỹ thuật số và internet mở, miễn phí, thì các đối tác châu Á của họ nhấn mạnh nhiều hơn vào lợi ích kinh tế và cơ hội từ kết nối kỹ thuật số. Do đó, Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á đã thành lập các dự án hợp tác cấp quốc gia giữa chính phủ với chính phủ để thúc đẩy kết nối khu vực tập trung vào châu Á.

Lấy ví dụ như Sáng kiến ​​Singapore - Trùng Khánh, một phần của BRI. Trùng Khánh là một đô thị lớn trực thuộc Trung ương ở miền Tây Trung Quốc, nơi mà sự phát triển kinh tế đang tụt hậu so với các thành phố và tỉnh miền Đông. Vào năm 2019, Trùng Khánh và Singapore đã ra mắt kênh dữ liệu quốc tế độc quyền Trùng Khánh - Singapore. Đây là kênh dữ liệu quốc tế độc quyền đầu tiên của Trung Quốc được kết nối với một quốc gia. Kênh dữ liệu này bắt đầu ở Trùng Khánh, chạy qua Quảng Châu và Hong Kong rồi đến Singapore.

Sáng kiến ​​​​cho thấy, kết nối kỹ thuật số tiếp tục cho phép thực hiện kết nối tài chính. Cơ quan tiền tệ của Singapore đã báo cáo vào năm 2023 rằng bất chấp những thách thức về tài chính và chính trị toàn cầu, nhưng vào năm 2022, Sáng kiến ​​kết nối Trùng Khánh - Singapore đã thực hiện được khoảng 6 tỷ USD giao dịch tài chính xuyên biên giới, nâng tổng giá trị của các giao dịch lên hơn 29 tỷ USD kể từ khi thành lập.

Khuôn khổ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức được ký kết vào năm 2022 mở đường cho việc tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. ASEAN nắm giữ tiềm năng tăng trưởng to lớn trong nền kinh tế kỹ thuật số và khả năng tích hợp lĩnh vực sản xuất với quá trình số hóa.

Về phương tiện truyền thông xã hội, tỷ lệ thâm nhập phương tiện truyền thông xã hội của ASEAN (65%) cao hơn của châu Âu (56% vào năm 2019). Về con số tuyệt đối, con số đó tương đương với 401 triệu người dùng mạng xã hội đang hoạt động trên khắp Đông Nam Á. Khả năng tiếp cận rộng rãi với các phương tiện truyền thông xã hội mang lại các cơ hội kinh doanh thương mại điện tử tiềm năng trong khu vực.

Một lĩnh vực khác mang lại cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế của châu Á là dịch vụ ngân hàng. Trên khắp ASEAN, chỉ có 50,6% người trưởng thành có quyền truy cập vào tài khoản tài chính hoặc dịch vụ tiền di động. Chỉ Singapore, Malaysia và Thái Lan vượt qua mức trung bình đó.

Theo báo cáo e-Conomy do Google và Temasek thực hiện, “thập kỷ kỹ thuật số” của Đông Nam Á chỉ mới bắt đầu. Nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực bắt nguồn từ các nền tảng kinh tế và xã hội vững chắc và ngoại tuyến với các xu hướng trực tuyến. Ngoài ra, nhiều quốc gia ASEAN đang trong quá trình đô thị hóa và số lượng người tiêu dùng ngày càng tăng ở các khu vực thành thị sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Tương lai kinh tế châu Á

Châu Á là một khu vực đa dạng về văn hóa, nơi hầu hết các quốc gia đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ làm thay đổi danh sách các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo dự báo của PwC, đến năm 2050, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong khi Indonesia đứng thứ 4, Philippines thứ 9 và Việt Nam thứ 20. Tiềm năng kinh tế của châu Á là không thể phủ nhận.

Kết nối, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số, sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành về Khu thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN 3.0, với ưu tiên là nền kinh tế kỹ thuật số khu vực. Hãy tưởng tượng một khách hàng từ Trung Quốc đặt hàng trực tuyến một số sản phẩm cận nhiệt đới từ Thái Lan, thanh toán qua ứng dụng di động và nhận gói hàng được giao trong vòng ba ngày. Tương lai đó sẽ được thực hiện thông qua các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng và việc mở rộng các doanh nghiệp và dịch vụ tài chính kỹ thuật số ở châu Á.

Quốc Đạt