Chính sách đầu tư cho văn hóa của một số nước trên thế giới

Pháp: Nhà nước là “kiến trúc sư” văn hóa

- Chủ Nhật, 29/01/2023, 07:16 - Chia sẻ

TS. Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Pháp là nơi hình thành khái niệm “chính sách văn hóa” và là quốc gia tiêu biểu cho mô hình “kiến trúc sư” với đặc trưng là sự can thiệp của Nhà nước thông qua công cụ luật pháp và phân bổ ngân sách nhằm bảo đảm mục tiêu tối thượng là sự tiếp cận văn hóa công bằng cho mọi người dân.

Nguồn: viet-phap.vn
Nguồn: viet-phap.vn

Việc phân chia dựa trên 4 mô hình kinh điển về chính sách văn hóa do hai nhà nghiên cứu Canada Hillman - Chartrand và McCaughey đưa ra vào năm 1989 trên cơ sở quan hệ và sự can thiệp của Chính phủ đối với lĩnh vực văn hóa. Đó là mô hình “người tạo điều kiện” (the facilitator) của Mỹ, “người bảo trợ” (the partron) của Anh, kiến trúc sư (the architect) của Pháp và kỹ sư (the engineer) của Trung Quốc. Mô hình kiến trúc sư cho phép Chính phủ có vai trò can thiệp trực tiếp vào việc hình thành môi trường phát triển, gắn chặt với các mục tiêu chính sách văn hóa quốc gia và phúc lợi xã hội. Do đó, mô hình này còn được gọi là mô hình “phúc lợi xã hội”, điển hình là Pháp. Bộ Văn hóa trực tiếp điều hành các chương trình, hoạt động, cấp kinh phí cho hiệp hội, nghệ sĩ.

Tại Pháp, các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) được hiểu là hệ thống các hoạt động kinh tế kết hợp các chức năng nhận thức, sáng tạo, sản xuất văn hóa một cách công nghiệp ở quy mô lớn, mang tính thương mại hóa sản phẩm văn hóa. Ngài Jack Lang, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp trong những năm 80 - 90, là một trong những người đề cập đến mối quan hệ giữa “văn hóa” và “kinh tế”, khởi xướng cho sự ra đời của khái niệm “kinh tế sáng tạo”, và mở rộng tài trợ cho các loại hình nghệ thuật trước kia không được quan tâm như rock, hiphop, rap... Đây cũng là thời kỳ chứng kiến ngân sách của Bộ Văn hóa Pháp tăng gần gấp đôi, chiếm gần 1% ngân sách Nhà nước hằng năm. Bộ Văn hóa chú trọng hơn đến khía cạnh kinh tế, các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có lĩnh vực nghe nhìn, xuất bản. Trong 25 năm qua, các ngành CNVH đã trải qua một loạt thay đổi lớn, phạm vi sản phẩm liên tục được mở rộng (sách, phim, video, CD-ROM, DVD, sản phẩm trực tuyến hoặc điện tử...).

Chính sách pháp luật

Nước Pháp thực thi chính sách văn hóa thông qua công cụ pháp lý là luật pháp. Pháp có nhiều bộ luật liên quan đến văn hóa như Luật Di sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh và Hoạt hình, Luật Kiến trúc... Đáng chú ý, Bộ Luật về tự do sáng tạo, kiến trúc và di sản được ban hành vào 7.7.2016 điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau của chính sách văn hóa. Pháp còn nổi tiếng với Luật Thiết lập một đơn giá cố định đối với sách, sách điện tử nhằm hỗ trợ cộng đồng trong việc tiếp cận với văn hóa đọc và duy trì sự đa dạng trong lĩnh vực sách, bao gồm cả văn học Pháp và văn học nước ngoài. Pháp áp dụng “hạn ngạch” phát sóng các chương trình bằng tiếng Pháp trên đài phát thanh và truyền hình, các tác phẩm điện ảnh, các biện pháp chống tập trung, cho phép hoặc không cho phép quảng cáo, chống vi phạm bản quyền. Ở Pháp vẫn đang áp dụng chế độ đặc biệt bảo đảm cho người thất nghiệp là nghệ sĩ, kỹ thuật viên sân khấu (Luật ra đời từ năm 1936). Trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, Pháp tiếp tục duy trì quy định bắt buộc về việc sử dụng các tác phẩm mỹ thuật để trang trí các tòa nhà công cộng thông qua Ủy ban "1% cho Nghệ thuật” được thiết lập từ năm 1951, theo đó, 1% tổng kinh phí xây dựng, phục chế hoặc cải tạo mở rộng bất kỳ công trình công cộng nào cũng phải dành để mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Các trung tâm quốc gia và Quỹ quốc gia

Hầu hết các lĩnh vực văn hóa đều có các trung tâm quốc gia, nơi kết nối giữa nhà nước và giới chuyên môn, nơi gặp gỡ giữa các đối tác trong từng lĩnh vực. Ở Pháp có các trung tâm quốc gia như:

Trung tâm quốc gia về sách (CNL): ngân sách nhà nước 2019; 24 triệu Euro.

Trung tâm quốc gia về âm nhạc (CNM): ngân sách nhà nước 2020: 50 triệu Euro.

Trung tâm quốc gia về phim và hoạt hình (CNC): do Bộ Văn hóa Pháp quản lý với 06 nhiệm vụ chính (quy định về điện ảnh, hỗ trợ kinh tế điện ảnh và nghe nhìn, quảng bá, bảo vệ và truyền bá di sản điện ảnh, các hoạt động hợp tác châu Âu và quốc tế, phân loại. Ngân sách của CNC lấy từ thuế trên vé xem phim, thuế doanh thu các kênh truyền hình... Ngân sách năm 2020: 675,3 triệu Euro.

Ngoài ra, Quỹ Sách Quốc gia, Quỹ Hỗ trợ ngành Điện ảnh và Phát thanh, Quỹ Hỗ trợ cho Ca khúc, Âm nhạc Đại chúng và Nhạc Jazz... được Nhà nước thành lập. Các quỹ này hỗ trợ các biện pháp trong các lĩnh vực tương ứng.

Chính sách hỗ trợ về thuế

Các chính sách thuế đặc biệt cho phép Nhà nước hỗ trợ một số lĩnh vực văn hóa như:

Giảm VAT (đối với sách).

- Giảm thuế đối với các trường hợp đặc biệt và các doanh nghiệp thực hiện “các hoạt động phục vụ công chúng về nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, phim ảnh”.