Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của một số nước châu Á

Nhật Bản: Tấm khiên pháp lý của người tiêu dùng

- Chủ Nhật, 28/05/2023, 06:03 - Chia sẻ

Nhật Bản là nước có sự phát triển trong điều chỉnh pháp luật đối với những vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Quốc gia này có một hệ thống các khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng.

Hệ thống quy định về trách nhiệm sản phẩm

Kể từ năm 1995, người tiêu dùng có thể khiếu nại dựa trên Đạo luật Trách nhiệm sản phẩm (PLA), cho phép nguyên đơn linh hoạt hơn trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm bị lỗi gây ra.

Sản phẩm theo quy định của PLA bao gồm động sản được sản xuất hoặc chế biến (do đó không bao gồm bất động sản, điện hoặc sản phẩm nông nghiệp). Nếu một sản phẩm bị lỗi gây ra bất kỳ thiệt hại nào đối với tính mạng, cơ thể hoặc tài sản của người mua, người mua có thể khởi kiện “nhà sản xuất” về trách nhiệm sản phẩm.

Nguồn: Photo Stock
Nguồn: Photo Stock

Nguyên đơn chỉ cần chứng minh rằng sản phẩm bị lỗi và lỗi đó gây thương tích. Một sản phẩm có thể bị coi là có lỗi nếu thiếu mức độ an toàn mà nó thường phải có, có tính đến bản chất và đặc điểm, cách sử dụng thông thường có thể thấy trước, trạng thái hiện đại (kiến thức khoa học hoặc kỹ thuật tại thời điểm giao hàng) và các trường hợp liên quan khác liên quan đến sản phẩm.

Nhà sản xuất được hiểu bao gồm người kinh doanh, sản xuất, chế biến hoặc nhập khẩu sản phẩm hoặc người thể hiện mình là nhà sản xuất bằng cách gắn nhãn hiệu của mình lên sản phẩm hoặc người mà có các hành vi làm cho người khác tin một cách hợp lý rằng mình là nhà sản xuất sản phẩm ấy. 

Luật quy định một nguyên tắc chung là nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại gây ra bởi sản phẩm lỗi. Tuy nhiên, Luật quy định rõ các trường hợp ngoại lệ theo đó nhà sản xuất có thể được miễn trừ trách nhiệm gồm: Khi lỗi của sản phẩm không thể phát hiện được bởi nhà sản xuất tại thời điểm giao hàng do trình độ khoa học - công nghệ chưa cho phép nhà sản xuất phát hiện được lỗi; khi sản phẩm dược sử dụng làm nguyên liệu thô hoặc một thành phần của sản phẩm khác mà lỗi phát sinh là kết quả của việc tuân thủ các chỉ dẫn do nhà sản xuất sản phẩm khác đưa ra và nhà sản xuất ban đầu không chịu trách nhiệm về việc gây ra lỗi ấy.

Thời hiệu khởi kiện được Luật quy định là 3 năm kể từ thời điểm biết được thiệt hại và xác định được người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng không quá 10 năm kể từ thời điểm nhà sản xuất đã bàn giao sản phẩm. Trường hợp thiệt hại được tích tụ trong cơ thể con người thì thời hiệu được tính từ ngày phát sinh thiệt hại. 

Nếu không thể đưa ra yêu cầu hoặc không thành công theo PLA, bên bị thiệt hại do sản phẩm bị lỗi có thể đưa ra yêu cầu bồi thường do sai lầm cá nhân theo Bộ luật Dân sự. Một cuộc cải cách sâu rộng đối với Bộ luật Dân sự năm 1896 đã được tiến hành để tạo ra một phiên bản toàn diện hơn và nhân văn hơn, với các nguyên tác luật chung bắt nguồn từ các tiền lệ của tòa án đã được chuyển thành luật. Các sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.4.2020. Trong đó, Điều 709 quy định rằng, một người cố ý hoặc vô ý xâm phạm bất kỳ quyền hoặc lợi ích được bảo vệ hợp pháp nào của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại phát sinh.

Khác với với PLA, nguyên đơn phải chứng minh ý định hoặc sơ suất của bị đơn và nghĩa vụ chứng minh phải tuân theo tiêu chuẩn cao. Nguyên nhân của hành động theo Điều 709 bao gồm gian lận và xuyên tạc. Bộ luật Dân sự sửa đổi cũng quy định, người bán có nghĩa vụ giao hàng hóa phù hợp với hợp đồng về mô tả, chất lượng và số lượng. Khi hàng hóa của người bán không phù hợp với hợp đồng, người mua có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại và chấm dứt hợp đồng, hoặc yêu cầu sửa chữa, hoặc yêu cầu giảm giá…

Bên cạnh đó, Đạo luật Hợp đồng người tiêu dùng (CCA) cũng bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch với thương nhân (nhà điều hành doanh nghiệp). Điều 8 của CCA quy định rằng, các điều khoản sau đây sẽ vô hiệu nếu chúng xuất hiện trong hợp đồng được thực hiện giữa người tiêu dùng và nhà điều hành doanh nghiệp:

- Các điều khoản miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm bồi thường cho nhà điều hành doanh nghiệp cho người tiêu dùng vì những thiệt hại phát sinh do lỗi của doanh nghiệp.

- Các điều khoản miễn trừ một phần trách nhiệm pháp lý cho nhà điều hành doanh nghiệp đối với những thiệt hại phát sinh do lỗi của nhà điều hành doanh nghiệp (giới hạn ở trường hợp vỡ nợ phát sinh do hành động cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng của nhà điều hành doanh nghiệp, đại diện hoặc nhân viên của họ) hoặc cho phép nhà điều hành doanh nghiệp xác định trách nhiệm pháp lý cần được miễn trừ một phần.

- Các điều khoản miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm pháp lý của nhà điều hành doanh nghiệp đối với những thiệt hại đối với người tiêu dùng phát sinh từ hành vi sai trái trong quá trình thực hiện hợp đồng tiêu dùng của nhà điều hành hoặc cho phép nhà điều hành xác định liệu họ có phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào hay không.

So sánh với các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật của EU hoặc Hoa Kỳ, có thể thấy rằng mức độ chi tiết trong các quy định về trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản còn khá hạn chế, chưa chi tiết khi quy định về các dạng khuyết tật, việc phân chia trách nhiệm chứng minh và các trường hợp được miễn, giảm trách nhiệm đối với nhà sản xuất.

Các chương trình bồi thường đặc biệt

Bên cạnh PLA, Nhật Bản còn các đạo luật khác quy định các biện pháp bồi thường mà trong đó, phải kể đến các biện pháp như: Duy trì hệ thống bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe cơ giới khi tham gia giao thông; duy trì hệ thống bảo hiểm lao động cho công nhân trong các vụ tai nạn do các thiết bị bị lỗi gây ra; duy trì hệ thống bồi thường theo Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng...

Ngoài ra, Chính phủ thực hiện các chương trình bồi thường đặc biệt cho dược phẩm và các sản phẩm được coi là có rủi ro cụ thể. Một chương trình do Chính phủ tài trợ hoàn toàn và được thành lập theo Luật Tiêm chủng dự phòng (Luật số 68 năm 1948, sửa đổi năm 2020) bồi thường cho các nạn nhân bị thương do tiêm chủng (bao gồm vaccine Covid-19).

Một chương trình khác được áp dụng theo Đạo luật về Dược phẩm và Thiết bị y tế (Luật số 192 năm 2002), cung cấp khoản bồi thường chi trả cho các chi phí y tế và tang lễ của các cá nhân và gia đình họ trong trường hợp bệnh tật, tàn tật hoặc tử vong do tác dụng phụ của dược phẩm.

Một kế hoạch do Hiệp hội An toàn sản phẩm tiêu dùng quản lý theo Đạo luật An toàn sản phẩm tiêu dùng (Luật số 31 năm 1973). "SG-Mark” (dấu hàng hóa an toàn) là một hệ thống chứng nhận sản phẩm. Hiệp hội quy định các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt đối với các sản phẩm có thể gây nguy hiểm và gây thương tích hoặc tử vong, và chỉ những sản phẩm tuân thủ các thông số kỹ thuật và yêu cầu an toàn của hiệp hội mới có thể mang dấu hàng hóa an toàn. Chương trình bồi thường cho người tiêu dùng hoạt động vì lợi ích của những người bị thương bởi các sản phẩm này. Khoản bồi thường từ hiệp hội được giới hạn ở mức 100 triệu yen cho mỗi người và phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích và nguyên nhân của vụ tai nạn.

Quốc Đạt (Theo iclg.com)