Nhật Bản sẽ thay đổi khi tái phân loại Covid-19?

- Thứ Ba, 31/01/2023, 07:00 - Chia sẻ

Quyết định hạ cấp dịch được đưa ra sau khi hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) nhất trí đưa dịch Covid-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, nhằm đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.

Nguồn: Japan Times
Nguồn: Japan Times

Từ năm 2022, trong nỗ lực bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp khá quyết liệt khi liên tục rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhiễm bệnh và nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. Mặc dù vậy, theo giới phân tích, việc hạ cấp dịch Covid-19 xuống ngang với dịch cúm mùa vẫn được coi là quyết định táo bạo của Chính phủ Nhật Bản. Nhật Bản sẽ hạ cấp phân loại Covid-19 vào ngày 8.5 tới từ mức tương tự như Loại 2 (bao gồm bệnh lao) xuống mức gần với Loại 5 (bao gồm bệnh cúm theo mùa).

So với các nước phương Tây, Nhật Bản có bước đi chiến lược thoát khỏi đại dịch còn chậm, song việc hạ cấp sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong các biện pháp chống dịch bệnh, về cơ bản đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch - ít nhất là từ góc độ chính sách. Do đó, các chuyên gia cũng như người dân Nhật Bản đang đặt ra câu hỏi: việc thay đổi phân loại có nghĩa là gì và nó sẽ tác động đến cư dân như thế nào? 

Phân loại nhóm bệnh và cách hoạt động

Các bệnh truyền nhiễm ở Nhật Bản được phân loại từ Nhóm 1 đến Nhóm 5. Ebola và bệnh dịch hạch thuộc Nhóm 1 - nghiêm trọng nhất, trong khi bệnh lao là Nhóm 2, bệnh tả là Nhóm 3 và sốt vàng da là Nhóm 4. Có ba loại khác: bệnh cúm mới và các bệnh khác, bệnh truyền nhiễm được chỉ định và bệnh truyền nhiễm mới. Covid-19 được phân loại theo nhóm bệnh cúm mới, tương đương với Nhóm 2 nhưng cho phép thực hiện các biện pháp tương tự như các biện pháp được kích hoạt bởi Nhóm 1 hoặc thậm chí nghiêm ngặt hơn. Về cơ bản, các bệnh được phân loại càng mạnh thì cơ quan có thẩm quyền càng lớn khi ra lệnh nhập viện và cách ly bệnh nhân. Trong những trường hợp đó, phí y tế sẽ được chi trả bởi các quỹ công cộng. Nếu phân loại ở mức độ nghiêm trọng hơn, các bệnh viện có thể điều trị cho bệnh nhân sẽ bị thu hẹp lại cho những bệnh viện có cơ sở vật chất phù hợp - được gọi là bệnh viện được chỉ định. Các cơ sở như vậy có nghĩa vụ phải báo cáo các trường hợp một cách chi tiết.

Hiện tại, các biện pháp được thực hiện đối với Covid-19 nghiêm ngặt hơn so với cấp độ Loại 1. Chính quyền trung ương và địa phương có thể hướng dẫn bệnh nhân nhập viện, hạn chế đi làm hoặc hạn chế ra ngoài. Các thành phố có thể hướng dẫn bệnh nhân nhập viện nếu họ không đồng ý cách ly tại các khách sạn hoặc tại nhà đã được thay đổi mục đích sử dụng, với những người không tuân thủ sẽ bị phạt tiền. Chỉ những bệnh viện được chỉ định và phòng khám sốt mới được phép điều trị cho bệnh nhân, đó là một phần lý do khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải khi làn sóng ca bệnh lớn tấn công đất nước. Do cách phân loại hiện tại, chính quyền trung ương và địa phương có thể ban hành các biện pháp khẩn cấp hoặc gần như khẩn cấp nếu tình trạng lây nhiễm gia tăng và các thành phố có thể giới hạn giờ làm việc của các nhà hàng và quán bar.

Điều gì sẽ xảy ra khi Covid-19 được phân loại là Loại 5?

Sự thay đổi lớn nhất trong việc tái phân loại Covid-19 là những người bị nhiễm bệnh sẽ không còn phải tự cách ly nữa. Hiện tại, bệnh nhân nhiễm bệnh được yêu cầu cách ly trong 7 ngày, và có thể rút ngắn xuống còn năm ngày nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ năm. Điều đó cũng có nghĩa là những người tiếp xúc gần sẽ không cần phải tự cách ly nữa. Hơn nữa, sau khi hạ cấp, chính quyền trung ương sẽ không còn thẩm quyền ban hành các biện pháp khẩn cấp, các nhà hàng dịch vụ ăn uống cũng sẽ không bắt buộc phải đóng cửa hoặc rút ngắn giờ làm việc. Các hạn chế biên giới, hiện đang áp dụng cho khách du lịch từ Trung Quốc cũng có khả năng được nới lỏng.

Một thay đổi lớn khác là sẽ có thêm nhiều bệnh viện và phòng khám có thể điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, điều này sẽ giúp hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải. Nhưng mặt trái là các cơ sở y tế chưa từng điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh trước đây sẽ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo đảm rằng bệnh nhân không lây bệnh cho người khác, một quá trình có thể tốn thời gian và chi phí. Các hạn chế đối với các sự kiện quy mô lớn cũng đã được dỡ bỏ, như các sự kiện thể thao ngoài trời và các buổi hòa nhạc.

Các chi phí về y tế sẽ thay đổi ra sao?

Hiện tại, chính phủ thanh toán một phần hoặc toàn bộ hóa đơn y tế cho cả bệnh nhân ngoại trú và bệnh nhân nội trú mắc Covid-19. Nhưng khi bệnh được phân loại là Loại 5, nó sẽ giống như bất kỳ bệnh nào khác thuộc loại đó, bệnh nhân có thể phải trả 30% chi phí theo chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia. Song, hiện vẫn chưa rõ khi nào bệnh nhân nhiễm bệnh sẽ phải bắt đầu phải tự chi trả hóa đơn, do đó Hội đồng của Bộ Y tế đang cân nhắc về những vấn đề đó. Các chuyên gia cũng lo lắng rằng, việc chi phí y tế tăng thêm có thể khiến người dân hình thành tâm lý tránh đi khám bác sĩ, trì hoãn các phương pháp điều trị cần thiết điều này có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh và xa hơn khó kiểm soát hơn trước khi người dân mất đi ý thức tự giác.

Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine Covid-19 vẫn được miễn phí cho đến ít nhất là cuối tháng 3 tới. Hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế thống nhất, các mũi tiêm sẽ tiếp tục miễn phí trong bối cảnh lo ngại rằng mọi người sẽ không nhận được tiêm phòng vì thêm chi phí. Chính phủ Nhật Bản sẽ từng bước rà soát hệ thống dịch vụ y tế, cũng như đang cân nhắc về các quy định bắt buộc đeo khẩu trang vào ngày 8.5 tới.

Lý do đằng sau những thay đổi theo kế hoạch là gì?

Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể trước đây, khiến nhiều người bị nhiễm bệnh hơn, nhưng biến thể này không gây nguy hiểm chết người đối với những người nhiễm bệnh so với các biến thể trước đó trong suốt hai năm đại dịch, đặc biệt là so với làn sóng dẫn đầu bởi biến thể Delta vào mùa hè năm 2021. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, 3,88% người ở độ tuổi 60 và 70 bị nhiễm virus đã phát triển các triệu chứng nghiêm trọng ở các quận Ishikawa, Ibaraki và Hiroshima trong đợt làn sóng biến thể Delta với tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi này là 1,34%.

Nhưng vào hồi tháng 7 và 8.2022, khi biến thể Omicron trở nên chiếm ưu thế, con số này giảm xuống 0,26% đối với những người có triệu chứng nghiêm trọng, trong khi tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống 0,18%. Để so sánh, 0,37% bệnh nhân cúm theo mùa ở độ tuổi 60 và 70 có các triệu chứng nghiêm trọng trong khi tỷ lệ tử vong là 0,19%. Do đó, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và coi Covid-19 là loại cúm mùa thông thường đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, và Nhật Bản cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Quyết định của Nhật Bản nhằm khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đồng thời đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Như Ý (Theo  Japan Times)