Hội nghị Shangri-La

Mỹ - Trung Quốc bắt tay nhưng không đối thoại

- Thứ Tư, 07/06/2023, 06:29 - Chia sẻ

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã bắt tay và có cuộc nói chuyện ngắn gọn bên lề Đối thoại Shangri-La, ông Lloyd Austin nhận xét rằng “một cái bắt tay thân mật trong bữa tối không thể thay thế cho một cam kết thực chất”.

Tầm nhìn khác nhau về đối thoại

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đã được thể hiện đầy đủ tại Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu châu Á được tổ chức tại Singapore vừa kết thúc ngày 4.6, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc từ chối một cuộc gặp chính thức với người đồng cấp Hoa Kỳ ngay cả khi ông thừa nhận nguy cơ đối đầu công khai giữa hai siêu cường.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin bắt tay trong một sự kiện bên lề Đối thoại Shangri-La. Nguồn: New York Post
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin bắt tay trong một sự kiện bên lề Đối thoại Shangri-La. Nguồn: New York Post

“Không thể phủ nhận rằng một cuộc xung đột hoặc đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thảm họa không thể chống đỡ được được đối với thế giới”, ông Lý Thượng Phúc, người vừa được bổ nhiệm làm quan chức quốc phòng cấp cao nhất của Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua cho biết.

Trong bài phát biểu ngày 4.6, ông nói thêm rằng quan hệ song phương đang ở mức “thấp kỷ lục” và cho rằng Hoa Kỳ cần hành động một cách chân thành để ngăn chặn mối quan hệ ngày càng xấu đi. “Nỗ lực thúc đẩy các liên minh giống như NATO ở châu Á - Thái Bình Dương là một cách để buộc các nước trong khu vực trở thành con tin, phóng đại xung đột và đối đầu”, ông Lý lặp lại những lời chỉ trích từ lâu của Bắc Kinh về nỗ lực của Washington nhằm thiết lập các liên minh trong khu vực như một phần chiến lược ngăn chặn sự trỗi dậy địa chính trị của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lý cũng có giọng điệu ôn hòa, nói rằng đất nước của ông tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu và “thế giới đủ lớn để Trung Quốc và Mỹ cùng phát triển và cùng tồn tại”.

Trước đó, Bộ trưởng Lý đã từ chối một cuộc gặp chính thức với người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin về nguyên tắc vì cá nhân ông đã bị Hoa Kỳ trừng phạt kể từ năm 2018 vì vai trò trong việc mua sắm thiết bị quân sự của Nga.

Về phần mình, Bộ trưởng Austin đã sử dụng bài phát biểu tại phiên họp toàn thể một ngày trước đó để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” khi Bắc Kinh không sẵn sàng tham gia quản lý khủng hoảng quân sự.

Trước đó, Bộ trưởng Lý và Bộ trưởng Austin đã có cuộc trao đổi ngắn gọn tại bữa tối khai mạc Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Hai vị quan chức đã bắt tay, nhưng không có cuộc trao đổi đúng nghĩa. Nhận xét về sự kiện này, ông Austin cho rằng: “Một cái bắt tay thân mật trong bữa tối không thể thay thế cho một cam kết thực chất”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nói rằng các đường dây liên lạc cởi mở giữa các nhà lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều cần thiết để tránh xung đột và củng cố sự ổn định trong khu vực. Ông Austin nói: “Chúng ta càng trao đổi nhiều, chúng ta càng tránh được những hiểu lầm và tính toán sai lầm có thể dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột, đồng thời cho biết thêm rằng các bên không nên để “cạnh tranh chuyển thành xung đột”.

James Crabtree, Giám đốc điều hành Văn phòng châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, đã viết trong một bài bình luận gần đây rằng mối quan hệ căng thẳng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc đã bộc lộ “những tầm nhìn khác nhau cơ bản” về vai trò của truyền thông trong các mối quan hệ quyền lực lớn.

Ông Crabtree viết trên tờ Straits Times: “Nhìn từ Washington, thông tin liên lạc là cần thiết nhất để quản lý một cuộc khủng hoảng… Nhưng quan điểm của Bắc Kinh gần như hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc coi giao tiếp là điều xảy ra khi quan hệ đã trở nên tốt đẹp và đã giải quyết được những khúc mắc. Đối với họ, việc cắt đứt các kênh liên lạc là cách dễ dàng để thể hiện thái độ không hài lòng.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với các quan chức đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia rằng hãy sẵn sàng đối phó với “các tình huống xấu nhất và cực đoan nhất”. Truyền thông nhà nước dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc nói với đội ngũ an ninh quốc gia của mình rằng “sự phức tạp và khó khăn của các vấn đề an ninh quốc gia mà chúng ta hiện đang phải đối mặt đã tăng lên đáng kể”.

Chia sẻ “sự đồng thuận cơ bản” về giảm căng thẳng

Trong thông báo trước đó, Người phát ngôn Lầu Năm Góc - chuẩn tướng Pat Ryder nêu rõ, Lầu Năm Góc tin tưởng vào nỗ lực duy trì các đường dây liên lạc thông suốt “và sẽ tiếp tục tìm kiếm những cuộc thảo luận quân sự có ý nghĩa ở nhiều cấp độ để quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm”.

Bất chấp xích mích song phương ngày càng xấu đi, chuyên gia Oh Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA), đã trao đổi với Asia Times rằng cả bài phát biểu của Bộ trưởng Lý và người đồng cấp Austin tại Đối thoại Shangri-La đều chia sẻ một “sự đồng thuận cơ bản” rằng đối đầu sẽ chỉ mang lại những tác động tiêu cực đến toàn cầu, hàm ý rằng “cần phải làm gì đó để ngăn chặn tình trạng này tối đa nhất có thể”.

Nhà phân tích Oh, người đã tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách quan sát viên cho biết, việc Bắc Kinh từ chối tổ chức các cuộc đàm phán quân sự với quân đội là nhằm thúc giục Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với cá nhân Bộ trưởng Lý cũng như hạn chế sự can thiệp trong vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, ông nhận định rằng, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden rất khó để đáp ứng đòi hỏi đó vì áp lực ở cả lưỡng đảng trong Quốc hội.

Ông Oh Ei Sun đánh giá cách tiếp cận, giọng điệu và phong thái của ông Lý khác với những người tiền nhiệm từng phát biểu tại Shangri-La, ví người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc “giống một vị tướng - học giả” hơn, một người rất biết tránh những luận điệu "diều hâu". “Bài phát biểu của Austin cũng không nhằm công kích Trung Quốc, vì vậy tôi nghĩ cả hai bên đều muốn giảm căng thẳng xuống một chút”, ông nói. 

Trong khi đó, các hoạt động ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang diễn ra bất chấp việc tình trạng thiếu đối thoại ở Singapore, với việc Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á, Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã đến Bắc Kinh vào ngày 4.6 để thảo luận về các vấn đề song phương quan trọng. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns được cho là đã đến thăm Trung Quốc vào tháng trước để thảo luận về nhu cầu duy trì các đường dây liên lạc mở.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã khai mạc Đối thoại Shangri-La năm nay bằng một bài phát biểu quan trọng, trong đó ông kêu gọi Washington và Bắc Kinh duy trì liên lạc để ngăn chặn các sự cố vượt khỏi tầm kiểm soát, hậu quả của nó “sẽ không chỉ giới hạn ở các cường quốc” mà còn “sẽ tàn phá thế giới”. Thủ tướng Albanese cho biết, ông ủng hộ những nỗ lực đổi mới của chính quyền Biden “nhằm thiết lập các kênh liên lạc cởi mở và đáng tin cậy” với Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng “giải pháp thay thế, sự im lặng của việc đóng băng sâu về ngoại giao chỉ tạo ra sự nghi ngờ, chỉ khiến các quốc gia dễ dàng quy kết động cơ cho sự hiểu lầm”.

Quốc Đạt