Mỹ mở rộng dấu ấn kinh tế chiến lược ở Đông Nam Á?

- Thứ Hai, 05/12/2022, 06:20 - Chia sẻ

Trong chuyến thăm Philippines gần đây, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cho biết Mỹ sẵn sàng tăng cường can dự kinh tế trong các lĩnh vực chiến lược.

Một Đông Nam Á tập trung vào kinh tế

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã đến Manila vào tuần trước, một chuyến thăm nhằm gửi tín hiệu tới Philippines rằng họ có thể tin tưởng vào Hoa Kỳ trong hỗ trợ kinh tế và quốc phòng. Cùng với việc tái khẳng định quan hệ quốc phòng, bà Harris đã công bố một loạt các thỏa thuận kinh tế bao gồm năng lượng, viễn thông và khai thác niken. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc gia tăng, chuyến thăm cũng gửi một thông điệp lớn hơn rằng Hoa Kỳ có thể nghiêm túc hơn trong việc mở rộng dấu ấn chiến lược của mình ở Đông Nam Á bằng cách sẵn sàng hợp tác để mang lại lợi kinh tế cho các đồng minh chủ chốt trong khu vực.

Mỹ mở rộng dấu ấn kinh tế chiến lược ở Đông Nam Á? -0
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Nguồn: Al Jazeera.webp

Tháng 11 là tháng sôi động của các hội nghị thượng đỉnh ở Đông Nam Á, với việc khu vực này là nơi nhóm họp của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới tại G-20 ở Bali, cuộc họp mặt thường niên của ASEAN ở Phnom Penh và Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bangkok. Một trong những thông điệp quan trọng nhất mà khu vực phát đi, được củng cố nhiều lần tại các hội nghị thượng đỉnh, là các quốc gia ở Đông Nam Á không muốn tập trung vào căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc, mà tập trung vào các chương trình nghị sự kinh tế và mục tiêu phát triển của chính họ. Khi hồ sơ kinh tế của khu vực phát triển, câu hỏi không còn là chọn bên, mà quan trọng hơn là các nước ASEAN - giờ đây với tư cách là một người chơi, muốn hỏi các đối thủ toàn cầu đang cạnh tranh như Trung Quốc và Hoa Kỳ: bạn có thể cung cấp cho chúng tôi điều gì?

Sự vào cuộc của Hoa Kỳ

Trong những năm qua, Trung Quốc có vẻ là bên đưa ra câu trả lời nhanh hơn. Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như thông qua các kênh khác, Trung Quốc đã tăng cường can dự kinh tế trực tiếp vào Đông Nam Á với tốc độ nhanh hơn Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như viễn thông và vận tải. Một vài ví dụ về sự can dự này bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung sắp hoàn thành ở Indonesia; hoạt động đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông của Philippines và Indonesia…

Các sáng kiến mới của Hoa Kỳ mà Phó Tổng thống Harris công bố tại Manila có thể được hiểu là Hoa Kỳ sẵn sàng trở thành đối thủ của Trung Quốc, vì đó là những lĩnh vực rất cạnh tranh đặc biệt là năng lượng và viễn thông. Theo báo cáo của Rappler, bà Harris cho biết Hoa Kỳ đang “để mắt đến việc hợp tác với NOW Telecom để triển khai công nghệ 5G ở Philippines” và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Philippines để phát triển các hình thức sản xuất năng lượng mới, bao gồm cả năng lượng tái tạo, thậm chí còn có đề cập đến hợp tác hạt nhân dân sự.

Nhưng có lẽ diễn biến thú vị nhất từ chuyến đi của bà Harris là thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến niken và coban hạ nguồn của Philippines. Niken là nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong quá trình sản xuất pin lithium-ion và dự kiến sẽ có nhu cầu cao khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu bắt đầu sôi động trong những năm tới.

Indonesia, quốc gia có trữ lượng quặng niken thô lớn nhất thế giới, đã sử dụng lệnh cấm xuất khẩu quặng chưa qua chế biến để tăng đầu tư vào các ngành công nghiệp hạ nguồn của mình. Nhìn chung, điều này đã phát huy tác dụng và thu hút đầu tư đáng kể (đặc biệt là từ Trung Quốc) vào các khu công nghiệp ở Sulawesi, đây có thể là những mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch thế hệ tiếp theo.

Nước có nguồn cung cấp quặng niken lớn thứ hai thế giới? Đó sẽ là Philippines. Các kế hoạch của Hoa Kỳ đầu tư vào ngành công nghiệp niken hạ nguồn của Philippines cho thấy họ đã nắm bắt được tầm quan trọng của niken trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch và sự cần thiết chiến lược để bảo đảm các công ty Hoa Kỳ có thể tiếp cận với nó.

Tại thời điểm này, các sáng kiến mà Phó Tổng thống Harris đã công bố vào tuần trước mới chỉ là đặt nền móng; chúng gửi một tín hiệu tới Philippines về sự sẵn sàng của Hoa Kỳ trong việc đẩy mạnh can dự kinh tế trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, viễn thông và niken, những lĩnh vực mà Trung Quốc cho đến nay đã tích cực hơn trong khu vực. Manila sẽ phải chờ xem mức độ mà những sáng kiến này thực sự được chuyển thành hiện thực. Cũng chưa rõ liệu cách tiếp cận này có khả năng được mở rộng ra ngoài Philippines, quốc gia vốn đã có mối quan hệ sâu sắc đặc biệt với Hoa Kỳ hay không.

Nhưng bản thân việc Mỹ gửi đi một thông điệp rõ ràng như vậy đã là một sự kiện quan trọng, bởi vì điều đó cho thấy Hoa Kỳ có thể không còn hài lòng với việc ngồi chờ và mong đợi một hệ thống thương mại tự do toàn cầu dựa trên các quy tắc và sự hấp dẫn tiêu chuẩn và quy tắc của các giá trị Hoa Kỳ. Thay vào đó, chính quyền của ông Biden đang tích cực nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực chiến lược và đưa ra các kế hoạch cụ thể về những gì họ có thể cung cấp cho các đối tác và đồng minh tiềm năng.

Quốc Đạt