Mỹ công bố chiến lược mới về châu Phi

- Thứ Năm, 11/08/2022, 06:06 - Chia sẻ

Hồi đầu tuần, Nhà Trắng công bố chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Biden về châu Phi, trùng với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới "lục địa đen". Nhiều nhà quan sát coi chuyến công du 3 nước châu Phi của Ngoại trưởng Blinken là một phần trong nỗ lực tái xây dựng sự tham gia của Mỹ trên khắp châu Phi nhằm đối trọng với những ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại đây.

Mục tiêu sâu xa

Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng có chuyến công du 4 nước châu Phi gồm Ai Cập, Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo để tranh thủ sự ủng hộ trong bối cảnh Nga đang tham chiến ở Ukraine. RiaNovosti lúc đó dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: “Nga nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm có ý nghĩa xã hội, bao gồm cả thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới. Nga có mối quan hệ tốt đẹp lâu đời với châu Phi kể từ thời Liên Xô. Và trong chuyến công du này, điều quan trọng là tất cả các bạn bè châu Phi sẽ hiểu rằng Nga vẫn tiếp tục thực hiện một cách thiện chí nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng quốc tế về xuất khẩu thực phẩm, phân bón, vận chuyển năng lượng và các hàng hóa quan trọng khác tới châu Phi”. Thực tế, ở lục địa đen, Nam Phi - quốc gia đi đầu trong thế giới đang phát triển và một số quốc gia khác duy trì lập trường trung lập liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, từ chối tham gia lời kêu gọi của phương Tây chỉ trích Moscow.

Mỹ công bố chiến lược mới về châu Phi -0
Nguồn: ITN

Hiện Ngoại trưởng Blinken đang trong chuyến công du 3 nước gồm Nam Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda (từ 7 - 11.8). Theo ông Alex Vines, Giám đốc Chương trình châu Phi tại Chatham House, mục tiêu sâu xa của chuyến đi là nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng địa chính trị của Nga và Trung Quốc trên lục địa đen. Đây là lần thứ hai ông Blinken đến châu Phi kể từ khi nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden bắt đầu.

Tuy nhiên, Washington cho hay, trọng tâm mới của họ vào châu Phi không phải là tập trung vào sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Ngoại trưởng Blinken phát biểu với các phóng viên ở Pretoria, Nam Phi là: “Cam kết của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với châu Phi không phải là cố gắng vượt qua bất kỳ ai khác”.

Dẫu vậy, tài liệu chiến lược châu Phi mới, trong đó đề cập đến Nga 7 lần, cảnh báo Nga đang tìm cách tranh thủ mối quan hệ an ninh, kinh tế để giảm sự phản đối của người châu Phi về cuộc chiến tại Ukraine. Chưa hết, tài liệu cũng cho rằng, Trung Quốc coi châu Phi là “đấu trường quan trọng” để “làm suy yếu quan hệ của Mỹ với các dân tộc và Chính phủ châu Phi”.

Chiến lược mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc  Linda Thomas-Greenfield đến thăm Ghana và Uganda. Trong chuyến thăm, bà nhấn mạnh: “Các quốc gia có thể mua sản phẩm nông nghiệp của Nga, bao gồm cả phân bón và lúa mì”. Nhưng “nếu một quốc gia quyết định can dự với Nga, nơi đang phải chịu các lệnh trừng phạt, thì họ đang vi phạm các lệnh trừng phạt đó”.

Chuyến thăm của bà Thomas-Greenfield, chỉ một tuần sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Lavrov, cho thấy Washington đang tiếp tục ưu tiên các lợi ích địa chính trị của mình. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Biden là hầu hết các Chính phủ châu Phi chỉ đơn giản là không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Nga.

Trong khi đó, theo nhiều công dân châu Phi, Trung Quốc đang mang lại cho họ những lợi ích hữu hình lớn hơn. Một trong những điểm mạnh trong cách tiếp cận của Trung Quốc ở châu Phi là đất nước gấu trúc đã phần lớn tránh bị lôi kéo vào các chính sách trong nước, đồng thời thể hiện họ là cam kết bảo đảm sự thịnh vượng của châu Phi - và hoạt động cho vay không ràng buộc của Trung Quốc giành được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi.

Các ưu tiên chính

Tài liệu chính sách mới của chính quyền Tổng thống Biden về chiến lược châu Phi  phác thảo các ưu tiên chính để hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, y tế, quản trị dân chủ, phục hồi đại dịch, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn môi trường. Giờ đây, Mỹ sẽ tìm cách tăng gấp đôi ảnh hưởng to lớn của quyền lực mềm trên khắp lục địa đen bằng cách tận dụng thương mại và đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ, mà trước đây đất nước cờ hoa sử dụng chưa hết tiềm năng.

Tài liệu nói rằng, một số cách tiếp cận lâu đời của Mỹ đối với châu Phi đã trở nên “không đủ” để đáp ứng những thách thức mới trong một thế giới cạnh tranh và gay gắt hơn. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi các quốc gia châu Phi “là những người chơi địa chiến lược và những đối tác quan trọng trong các vấn đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta, từ thúc đẩy một hệ thống quốc tế cởi mở và ổn định, giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và đại dịch toàn cầu đến định hình tương lai công nghệ và kinh tế”.

Thậm chí, Tổng thống Biden còn thông báo đang lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh cho các nhà lãnh đạo lục địa đen tại Washington từ ngày 13 - 15.12 tới để “thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi”, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - châu Phi và tăng cường hợp tác về các ưu tiên chung toàn cầu. Nội dung hội nghị sẽ tập trung vào cam kết kinh tế mới, thúc đẩy hòa bình và an ninh, giải quyết các thách thức hiện nay như an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Hôm 29.7, chính quyền Mỹ đương nhiệm tuyên bố khôi phục sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”, vốn được cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra năm 2018, coi đây như là “trung tâm cam kết kinh tế và thương mại của Mỹ với châu Phi”. Thực tế, ngay từ những ngày đầu bước chân chính thức vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã có những bước đi hướng đến châu Phi đầu tiên khi quyết định hủy bỏ nhiều lệnh hạn chế nhập cư năm 2017 của người tiền nhiệm. Lệnh hạn chế nhập cư này áp dụng với một số quốc gia đạo Hồi tại châu Phi như Chad, Eritrea, Libya, Nigeria, Somalia, Sudan và Tanzania.

Bên cạnh đó, việc Mỹ quay trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt với châu Phi. Mỹ là nước đóng góp hàng đầu cho WHO, chiếm 15% tổng ngân sách của tổ chức này. Và một phần không nhỏ số tiền sau đó được phân bổ cho dự án tại các quốc gia đang phát triển ở châu Phi vốn gặp nhiều khó khăn với các dịch bệnh như sởi, sốt rét, HIV, Ebola…

Nói chung, việc Mỹ tăng cường tái định hình quan hệ với các nước châu Phi là hoàn toàn dễ hiểu khi ngày càng nhiều cường quốc “để mắt” tới khu vực giàu tiềm năng chưa được khai thác này. Thời gian qua, châu Phi luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và là ưu tiên chiến lược của các cường quốc, nhiều nước cũng đang gia tăng hoạt động nhằm giành ảnh hưởng tại đây.

Thực ra, nhiều đời tổng thống Mỹ trước đây từng triển khai nhiều chính sách để gia tăng ảnh hưởng cũng như lợi ích của Mỹ tại lục địa đen. Có thể kể tới Đạo luật về Cơ hội và tăng trưởng châu Phi thời cựu Tổng thống Bill Clinton, chiến dịch phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) cho châu Phi thời cựu Tổng thống George W. Bush, đến người kế nhiệm Barack Obama là Sáng kiến phát triển điện năng cho châu Phi.

Thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ có nhiều bước đi mạnh mẽ hơn nhằm hồi sinh và hiện thực hóa chiến lược của Washington đối với châu Phi. Chiến lược “châu Phi thịnh vượng” của ông nhắm vào việc hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh và đầu tư tại châu Phi và tầng lớ‌p người có thu nhập trung bình đang tăng ở châu lục. Quốc hội Mỹ lúc đó cũng thông qua Ðạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư ph‌át triển, khuyến khích tăng đầu tư của Mỹ ở châu Phi với vai trò là nhân tố kích thích phát triển kinh tế, tăng tính cạnh tranh và giảm rủi ro đối với các công ty Mỹ tại thị trường châu Phi. Đây được coi là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời cựu Tổng thống Trump…

Ngọc Minh tổng hợp