Sách trắng mới về AI của Vương quốc Anh:

Không đóng khung trong luật để AI có không gian phát triển

- Chủ Nhật, 09/04/2023, 05:49 - Chia sẻ

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Khoa học, đổi mới và công nghệ (DSIT) của Anh đã xuất bản Sách trắng, trong đó phác thảo các kế hoạch điều chỉnh trí tuệ nhân tạo (AI) có mục đích chung. Bộ đang khởi động quá trình tham vấn cộng đồng để tìm kiếm phản hồi về kế hoạch cho đến ngày 21.6 tới, với kỳ vọng bảo đảm “các nguyên tắc linh hoạt” mà AI có thể vượt qua.

Bảo đảm AI phát triển an toàn

AI có tiềm năng biến nước Anh trở thành một nơi sống và làm việc thông minh hơn, lành mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Trí tuệ nhân tạo không còn là thứ khoa học viễn tưởng nữa và tốc độ phát triển của nó đang diễn ra rất đáng kinh ngạc, vì vậy các nhà lãnh đạo Anh muốn xây dựng những quy tắc giúp bảo đảm rằng nó được phát triển một cách an toàn.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Trong Sách trắng phác thảo chính sách AI, Chính phủ Anh kêu gọi việc “sử dụng có trách nhiệm”, trong khi tránh đưa ra cái mà họ gọi là “luật nặng tay” kìm hãm sự đổi mới.

Dài 91 trang, Sách trắng có tựa đề “Cách tiếp cận ủng hộ đổi mới đối với quy định về AI”, đề cập đến việc áp dụng “một cách tương xứng và hợp lý với khuôn khổ pháp lý ủng hộ đổi mới”. Theo kế hoạch, các cơ quan quản lý hiện tại dự kiến sẽ áp dụng một bộ gồm 5 nguyên tắc, trong đó đặt ra “các yếu tố chính trong thiết kế, phát triển và sử dụng AI có trách nhiệm” mà Chính phủ hy vọng sẽ hướng dẫn hiệu quả cho các doanh nghiệp khi họ phát triển trí tuệ nhân tạo.

Các nguyên tắc đó là: các ứng dụng AI phải hoạt động một cách bảo mật, an toàn và mạnh mẽ , trong khi rủi ro được quản lý cẩn thận. Đối với nguyên tắc về tính minh bạch và khả năng giải thích, các tổ chức phát triển và triển khai AI sẽ có thể thông báo về thời điểm và cách thức sử dụng AI cũng như giải thích quy trình ra quyết định của hệ thống ở mức độ chi tiết phù hợp với các rủi ro do việc sử dụng AI gây ra. Ở nguyên tắc về công bằng: AI nên được sử dụng theo cách tuân thủ luật pháp hiện hành của Vương quốc Anh, ví dụ như Đạo luật Bình đẳng 2010 hoặc Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Vương quốc Anh, và không được phân biệt đối xử với các cá nhân hoặc tạo ra kết quả thương mại không công bằng. Còn trong nguyên tắc giải trình và quản trị, cần có các biện pháp để bảo đảm có sự giám sát thích hợp đối với cách thức sử dụng AI và trách nhiệm giải trình rõ ràng đối với các kết quả. Cuối cùng, nguyên tắc khả năng cạnh tranh và khắc phục nêu rõ, cần có lộ trình rõ ràng để tranh luận về các kết quả hoặc quyết định có hại do AI tạo ra.

Tuy nhiên, để “tránh đưa ra luật pháp nặng tay có thể kìm hãm sự đổi mới”, Chính phủ Anh đã chọn không giao trách nhiệm quản lý AI cho một cơ quan quản lý mới, thay vào đó kêu gọi các cơ quan quản lý hiện có như Cơ quan Quản lý y tế và an toàn, Ủy ban Bình đẳng và nhân quyền, Cơ quan Cạnh tranh và thị trường để đưa ra các phương pháp tiếp cận của riêng mình phù hợp nhất với cách thức AI đang được sử dụng trong các lĩnh vực của họ. Do đó, trong trường hợp không có bất kỳ luật mới nào, các cơ quan quản lý ngành này sẽ phải dựa vào quyền hạn hiện có.

Phác thảo các bước tiếp theo, Chính phủ Anh cho biết trong 12 tháng tới, các cơ quan quản lý sẽ ban hành hướng dẫn thực tế cho các tổ chức, đưa ra biện pháp thực hiện những nguyên tắc trên, cũng như các mẫu đánh giá rủi ro. Theo Chính phủ, luật pháp cũng có thể được chính thức đưa ra giúp bảo đảm các cơ quan quản lý xem xét nguyên tắc một cách nhất quán.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Mặc dù Chính phủ cho biết, cách tiếp cận được nêu trong Sách trắng có nghĩa là các quy tắc của Vương quốc Anh có thể thích ứng khi công nghệ AI phát triển, nhưng cũng không ít người tỏ ra hoài nghi.

Bà Giulia Gentile, tiến sĩ tại Trường Luật kinh tế London, nhà nghiên cứu xã hội kỹ thuật số và quy định AI, viết trên Twitter rằng, các khuôn khổ hiện tại có thể không thể điều chỉnh AI một cách hiệu quả do tính chất phức tạp và nhiều lớp của một số công cụ AI, nghĩa là sự kết hợp giữa các chế độ khác nhau sẽ là điều không thể tránh khỏi.

“Khác với các công nghệ khác, AI làm trầm trọng thêm các lỗ hổng. Đồng thời, nó nằm trong tay một số công ty định hình cách thức hoạt động của công nghệ này”, bà viết. “Kết quả là, việc không có khuôn khổ AI có khả năng tạo ra một xã hội bất bình đẳng và bất công hơn, làm tăng thêm tình trạng bất cân xứng về quyền lực giữa những người thống trị các công cụ kỹ thuật số và những người bị ảnh hưởng bởi công nghệ AI”.

Theo số liệu của Chính phủ, ngành công nghiệp AI của Vương quốc Anh hiện phát triển mạnh, sử dụng hơn 50.000 nhân lực và đóng góp 3,7 tỷ bảng cho nền kinh tế vào năm ngoái. Trong ngân sách đưa ra đầu tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremey Hunt công bố giải thưởng nghiên cứu AI mới, theo đó sẽ cung cấp 1 triệu bảng Anh mỗi năm cho công ty nào đạt được “nghiên cứu AI đột phá nhất của Anh”.

Ngân sách cũng bổ sung thêm quỹ sandbox AI nhằm giúp các nhà đổi mới đưa những sản phẩm tiên tiến ra thị trường và Chính phủ cam kết sẽ hợp tác với Văn phòng Sở hữu trí tuệ nhằm cung cấp các quy tắc sở hữu trí tuệ rõ ràng, giúp các công ty sáng tạo AI có thể truy cập tài liệu họ cần. Sandbox là kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực bảo mật có tác dụng cô lập các ứng dụng, ngăn chặn các phần mềm độc hại…

Xét quy mô của ngành, Vương quốc Anh là nơi có số công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ AI nhiều gấp đôi so với bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu, nhưng theo tiến sĩ Gentile, cách tiếp cận của Chính phủ chưa hiệu quả, đặc biệt là với những bước phát triển mới nhất về AI.

Bà viết: “Người ta có ấn tượng là Chính phủ Anh đang cho phép đổi mới chiến thắng với tư cách là giá trị của bản thân nó, mà không xem xét những tác động rắc rối rộng hơn đối với xã hội”.

Ngọc Minh