Khó tìm đoàn kết trong chia rẽ

- Thứ Sáu, 03/03/2023, 15:34 - Chia sẻ

Vừa qua, Hội nghị các Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại Thủ đô New Delhi dưới sự chủ trì của Chủ tịch G20 Ấn Độ, đã đạt được đồng thuận trong một loạt vấn đề, nhưng sự khó khăn trong việc đoàn kết nhóm lại khiến họ không thể ra được thông cáo chung.

Quá nhiều khác biệt

Hội nghị này, với sự tham dự của hơn 40 nhà ngoại giao hàng đầu của các nền kinh tế, cùng đại diện 13 tổ chức quốc tế, được coi là phép thử lớn đối với chính sách ngoại giao của Ấn Độ.

Theo CNN, trong cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ hai dưới sự chủ trì của Chủ tịch G20 Ấn Độ trong năm nay, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gặp gỡ những người đồng cấp Mỹ, Trung Quốc và Nga…, với hy vọng tìm thấy đủ điểm chung để giúp các nhà lãnh đạo G20 có thể đưa ra tuyên bố chung cuối cùng ở Hội nghị Thượng đỉnh G20, dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tới. Nhưng trong bối cảnh chia rẽ ngày càng gay gắt về chiến sự Nga-Ukraine, New Delhi không thể thuyết phục các Ngoại trưởng gạt bỏ khác biệt, đồng thời với việc Ngoại trưởng Jaishankar phải thừa nhận cuộc xung đột đã gây khó khăn trong việc đoàn kết nhóm.

Hội nghị các Ngoại trưởng G20 kết thúc mà không ra được thông cáo chung, cho dù các thành viên nhất trí về hầu hết các vấn đề. Thực tế, đây là năm thứ hai liên tiếp Hội nghị các Ngoại trưởng G20 không có tuyên bố chung. Theo Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar, nguyên do là những khác biệt sâu sắc liên quan xung đột ở Ukraine “mà không thể hòa giải vì các bên có quan điểm khác nhau”. Thay vào đó, hội nghị thông qua tài liệu “tóm tắt và kết luận của chủ tọa”, phản ánh quyết tâm của G20 trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ cho rằng, hội nghị đã tập trung vào những khía cạnh có thể “giúp đoàn kết” các bên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken “đổ lỗi” cho Nga và Trung Quốc là hai nước “nói rõ rằng họ sẽ không ký” vào thông cáo chung.

Thực vậy, cuộc khủng hoảng Ukraine đã trở thành nội dung chi phối chương trình nghị sự, khi mà các đại biểu từ châu Âu và Mỹ vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, muốn tận dụng cuộc họp để buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột, mặc dù nước chủ nhà Ấn Độ mong muốn hội nghị tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới hiện nay như giảm nghèo, tài chính cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng.

Trước đó, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20, diễn ra ngày 24-25.2 tại Bengaluru, bang Karnataka của Ấn Độ, cũng không ra được thông cáo chung vì bất đồng trong việc sử dụng từ ngữ. Khi đó, Mỹ cũng đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc phản đối thông cáo. 

Hành động cân bằng của Ấn Độ

Các đồng minh chính trị của Thủ tướng Ấn Độ Modi rất muốn thúc đẩy uy tín quốc tế của ông, miêu tả nhà lãnh đạo này như nhân vật chủ chốt trong trật tự toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm ngoái, được tổ chức ở Bali, Indonesia, đã đưa ra tuyên bố chung lặp lại những gì ông Modi từng đề cập với Tổng thống Nga Vladimir Putin vài tuần trước đó bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan.

“Thời đại ngày nay không phải là chiến tranh,” tuyên bố cho biết, khiến các phương tiện truyền thông và quan chức ở Ấn Độ khẳng định rằng, Ấn Độ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp sự khác biệt giữa nước Nga bị cô lập với Mỹ và các đồng minh của họ.

Theo nhiều nhà phân tích, Ấn Độ tự hào về khả năng cân bằng các mối quan hệ của mình. Nước này, cùng với Trung Quốc, từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine trong các nghị quyết khác nhau của LHQ. Thay vì cắt đứt quan hệ kinh tế với Điện Kremlin, Ấn Độ làm giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách tăng cường mua dầu mỏ, than đá và phân bón của Nga.

Nhưng không giống như Trung Quốc, Ấn Độ xích lại gần phương Tây hơn, đặc biệt là Mỹ, bất chấp mối quan hệ với Nga. Mối quan hệ của New Delhi với Moscow bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh và nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Điện Kremlin về thiết bị quân sự, mắt xích quan trọng do căng thẳng đang diễn ra giữa Ấn Độ với Trung Quốc tại biên giới chung trên dãy Himalaya. Mỹ và Ấn Độ trong những tháng gần đây có nhiều động thái tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng, khi hai bên nỗ lực chống lại sự trỗi dậy của một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. 

Linh Anh
#