Đông Nam Á dõi theo cuộc bầu cử Nghị viện Australia

- Thứ Năm, 19/05/2022, 06:22 - Chia sẻ

Ngày 21.5 tới, 17 triệu cử tri trong tổng số khoảng 26 triệu dân Australia sẽ đi bỏ phiếu cuộc tổng tuyển cử quan trọng của nước này. Đây sẽ là cuộc chạy đua chính giữa Công đảng và liên đảng Tự Do - Quốc gia cầm quyền. Đông Nam Á đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử, đảng nào lên nắm quyền sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến chính sách đối với khu vực.

Trước tháng 9.2021, Chính phủ liên đảng Australia đã tạo dựng được hình ảnh tích cực với Đông Nam Á. Tuy nhiên, quyết định ký Thỏa thuận an ninh với Anh và Mỹ (được gọi là AUKUS, viết tắt của Australia, UK và US) cho phép Anh, Mỹ hỗ trợ Australia phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã gây ra rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ của nước này với Đông Nam Á.

Thêm vào đó, Hiệp ước an ninh được ký kết gần đây giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc đã cho thấy những phức tạp đang diễn ra về vai trò của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Việc các nước khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á ngày càng có quan hệ thân thiện với Trung Quốc không hoàn toàn là vì sự suy yếu trong chính sách đối ngoại của Australia. Phần lớn điều này dựa trên sự thay đổi sâu sắc trong cán cân kinh tế, chính trị và sức mạnh quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên theo cấp số nhân. Tuy nhiên, thách thức là Chính phủ liên đảng Australia chưa tìm được biện pháp đối phó.

Thành tựu ngoại giao của Australia ở Đông Nam Á

Thành tích của Chính phủ liên đảng Australia tại khu vực này khá tích cực cho đến khi có thông báo về thành lập liên minh AUKUS. Thủ tướng Scott Morrison đã tiếp nối thành công mối quan hệ của ông Malcolm Turnbull với Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Các sáng kiến chính sách của Chính phủ liên đảng Australia với Việt Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực. Năm 2018, mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam được nâng cấp lên "Đối tác chiến lược toàn diện". Động thái này đã mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước, bao gồm cả về quốc phòng và an ninh.

Vào năm 2020, Australia đã ký kết hiệp định thương mại tự do quy mô lớn nhất thế giới với 10 quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác, được gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này củng cố hơn nữa sự hội nhập kinh tế của Australia với các đối tác thương mại lớn trong khu vực.

Trong bối cảnh nhiều nước Đông Nam Á gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng y tế để đối phó với đại dịch Covid-19, đồng thời khu vực việc làm phi chính thức cũng bị ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ của ông Morrison nhanh chóng chuyển chương trình viện trợ sang cứu trợ Covid-19. Nước này đã chuyển 480 triệu USD cho các nước đối tác bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực.

Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg đã cung cấp khoản vay 1,5 tỷ USD cho Indonesia vào cuối năm 2020 khi nền tài chính của nước này gặp khó khăn với tác động của Covid-19.

Chướng ngại AUKUS

Tuy nhiên, thông báo thành lập liên minh AUKUS với Mỹ và Anh vào tháng 9.2021 của Chính phủ ông Morrison đã tạo ra rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ của Australia với Đông Nam Á.

Thỏa thuận bất ngờ và lặng thầm này phần nào làm suy yếu uy tín trong chính sách đối ngoại của Australia ở Đông Nam Á; đồng thời cũng thách thức các chuẩn mực lâu đời của ASEAN phản đối sự hiện diện của vũ khí hạt nhân.

Indonesia, quốc gia thành viên lớn nhất của ASEAN, đã yêu cầu Chính phủ của ông Morrison làm rõ vấn đề ngay lập tức. Indonesia coi thỏa thuận AUKUS và liên minh Quad không chính thức bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ là những liên minh không thân thiện với Trung Quốc và sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Các thỏa thuận này cũng nêu bật sự khác biệt của Australia và Indonesia về các vấn đề tồn tại lâu dài trong mối quan hệ song phương và cả tầm nhìn đối với Đông Nam Á. Indonesia cho rằng, Australia thiếu tôn trọng và đã không tham khảo ý kiến về các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng.

Bất kỳ đảng nào thành lập Chính phủ sau cuộc bầu cử chính thức sắp tới sẽ phải đối mặt với những vấn đề này.

"Lá bài" của Công đảng

Thỏa thuận an ninh giữa quần đảo Solomon với Trung Quốc là nhân tố đưa đến những thay đổi đáng kể bối cảnh cuộc bầu cử Australia. Công đảng, đảng đang giữ vị trí đối lập, đã nhân sự kiện này để chỉ trích liên đảng Tự Do - Quốc gia cầm quyền rằng, họ không đủ năng lực để giải quyết vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại khu vực.

Trước khi diễn ra thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc, có rất ít sự khác biệt về lập trường cơ bản giữa Công đảng và Liên đảng cầm quyền về khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, nhận thấy đây là một lợi thế chính trị, Công đảng Australia đã tuyên bố sẽ dành một khoản viện trợ nước ngoài 525 triệu USD cho Thái Bình Dương nếu giành chiến thắng trong cuộc đua sắp tới. Việc điều chỉnh lại nền tảng chính sách đối ngoại khu vực của Công đảng có thể sẽ được tiếp tục mở rộng sang nhiều khía cạnh khác ở Đông Nam Á nếu họ lên nắm quyền.

Để Australia có thể tiếp tục sự hiện diện mạnh mẽ ở Đông Nam Á, dù chính đảng nào lên cầm quyền cũng đều cần xác định rõ chính sách Trung Quốc của họ để tránh bị các đối tác quan trọng trong khu vực xa lánh. Australia cũng cần tôn trọng các ưu tiên phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia Đông Nam Á theo cách riêng của họ chứ không thể chỉ coi họ như các con tốt trên bàn cờ địa chính trị rộng lớn hơn. Về điểm này, có vẻ như Công đảng đang thể hiện rõ rệt hơn.

QUỐC ĐẠT theo Asia Times