Thụy Sĩ đứng trước lựa chọn mới về trung lập?

- Thứ Bảy, 21/05/2022, 06:23 - Chia sẻ

Trạng thái trung lập vững chắc của Thụy Sĩ đang đối mặt với thách thức lớn nhất sau nhiều thế kỷ, với việc Bộ Quốc phòng nước này cân nhắc khả năng tiến gần hơn về phía các nước phương Tây.

Những lựa chọn chính sách mới

Bà Paelvi Pulli, người đứng đầu cơ quan chính sách an ninh của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ mới đây cho biết, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đang soạn thảo báo cáo về các phương án an ninh, kể cả tập trận chung với các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), xúc tiến các chuyến thăm cấp cao và thường xuyên giữa giới chức quân sự và chính trị gia hai phía.

Quan-doi-Thuy-Si-tien-hanh-tap-t-1653005474991.jpg
Quân đội Thụy Sĩ tiến hành tập trận trên sông Aare, gần Doettingen vào ngày 20.4.2022. Nguồn: Reuters

Chi tiết về các lựa chọn chính sách đang được thảo luận trong Chính phủ chưa được báo cáo trước đây. “Sau cùng, có thể có những sự thay đổi liên quan đến cách thức giải thích tính trung lập”, bà Pulli chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Reuters tuần trước.

Theo Reuters, báo cáo dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 9 để đệ trình Nội các và Quốc hội Thụy Sĩ cân nhắc. Tài liệu này sẽ được xem là nền tảng cho các quyết định tiềm tàng liên quan đến lộ trình của chính sách an ninh Thụy Sĩ trong tương lai.

Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ cũng sẽ đóng góp vào một nghiên cứu rộng hơn đang được Bộ Ngoại giao chuẩn bị. Dự án đó sẽ xem xét việc áp dụng các lệnh trừng phạt, xuất khẩu vũ khí, đạn dược và mối quan hệ với NATO từ góc độ trung lập, Bộ Ngoại giao cho biết.

Ý tưởng gia nhập NATO cũng đã được thảo luận nhưng không giống Thụy Điển và Phần Lan - những quốc gia cũng có lịch sử trung lập và đang trên hành trình gia nhập NATO - báo cáo nhiều khả năng không khuyến nghị Thụy Sĩ tiến hành nước đi tương tự, bà Pulli cho biết thêm.

Nhưng dù sao việc Thụy Sĩ tiến gần hơn về phía các nước phương Tây cũng sẽ đánh dấu sự rời bỏ truyền thống không đứng về bên nào được nuôi dưỡng cẩn thận mà những người ủng hộ nó cho rằng đã giúp Thụy Sĩ thịnh vượng một cách hòa bình và duy trì vai trò trung gian đặc biệt, kể cả trong thời kỳ phương Tây đối đầu với Liên Xô.

Tính trung lập của Thụy Sĩ

Thụy Sĩ đã không tham chiến trong một cuộc chiến tranh quốc tế kể từ năm 1815, khi quốc gia này thông qua chế độ trung lập tại Đại hội Vienna, nơi kết thúc các cuộc Chiến tranh Cách mạng Pháp.

Công ước La Hay 1907 thiết lập Thụy Sĩ sẽ không tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang quốc tế, ủng hộ các bên tham chiến với quân đội hoặc vũ khí, hoặc cung cấp lãnh thổ của mình cho các bên tham chiến.

Tính trung lập, được quy định trong Hiến pháp, cho phép Thụy Sĩ có quyền tự vệ và phạm vi giải thích các khía cạnh chính trị của khái niệm không được đề cập trong định nghĩa pháp lý.

Quy chế này được cập nhật lần cuối vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, nhằm cho phép Thụy Sĩ áp dụng một chính sách đối ngoại dựa trên sự hợp tác với các nước khác trong các lĩnh vực như viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Trung lập là một trong những trụ cột chính trị chủ yếu của Thụy Sĩ từ 500 năm nay. Nó còn được xem như một phần của đặc tính người Thụy Sĩ và nó cho phép đất nước giàu có này tránh khỏi các cuộc xung đột.

Các chính trị gia trong Đảng Nhân dân cánh hữu Thụy Sĩ đặc biệt tôn vinh và đề cao sự trung lập như một đức tính cao quý mà về nguyên tắc, chỉ người Thụy Sĩ mới có khả năng làm được. “Thế giới cần một Thụy Sĩ trung lập”, nghị sĩ Đảng Nhân dân cực hữu Thụy Sĩ (SPV) Roger Köppel gần đây với tư cách là tác giả khách mời của tờ báo Neue Zürcher Zeitung (Thụy Sĩ) đã viết. Köppel giải thích: “Tính trung lập đòi hỏi sức mạnh và sự vững chắc”.

Xem xét lại nội hàm của trung lập

Nhưng trước tình hình chiến sự ở Ukraine, tính trung lập của Thụy Sĩ đang chao đảo. Vào cuối tháng 2, sau nhiều lần cân nhắc, Thượng viện Liên bang đã quyết định thông qua các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Ngày càng có nhiều ý kiến đòi hỏi Thụy Sĩ cung cấp đạn dược do nước này sản xuất cho Ukraine thông qua một bên thứ ba là Đức, điều bị cho là vi phạm quy chế trung lập của nước này.

Trong chuyến thăm Washington tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Voila Amherd khẳng định quốc gia của bà nên hợp tác chặt chẽ hơn với NATO nhưng không nên gia nhập.

Thụy Sĩ “không thể gia nhập bất cứ liên minh nào vì lập trường trung lập. Tuy nhiên, chúng tôi có thể làm việc cùng nhau và những hệ thống mà chúng tôi đang mua là một nền tảng tốt để làm điều đó”, Bộ trưởng Amherd nói với đài SRF.

Cho đến nay, Thụy Sĩ đã có một số quan hệ với NATO. Năm ngoái, nước này quyết định mua máy bay chiến đấu F-35A của Lockheed Martin (LMT.N) mà một số thành viên NATO đã mua hoặc đã sử dụng.

Các điều chỉnh đang được xem xét của Chính phủ Thụy Sĩ sẽ là một động thái quan trọng đối với một quốc gia không gia nhập Liên Hợp Quốc cho đến năm 2002 và luôn tự sản xuất vũ khí của riêng mình.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Bern Vladimir Khokhlov đã phản ứng trước những động thái này, cho rằng các biện pháp như vậy sẽ dẫn đến sự thay đổi chính sách triệt để đối với Thụy Sĩ. Ông Khokhlov nói, Moscow sẽ "không thể bỏ qua" việc từ bỏ vị trí trung lập của Thụy Sĩ, điều này sẽ dẫn đến hậu quả dù không cung cấp thêm chi tiết.

Quân đội Thụy Sĩ ủng hộ sự hợp tác nhiều hơn với NATO như một cách để củng cố quốc phòng, trong khi dư luận đã có những thay đổi đáng kể trong thái độ kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, hơn một nửa số người được hỏi (56%) ủng hộ việc gia tăng quan hệ với NATO, cao hơn nhiều so với mức trung bình 37% trong những năm gần đây.

Mặc dù việc ủng hộ việc thực sự gia nhập NATO vẫn là một quan điểm thiểu số, nhưng đã tăng lên đáng kể. Cuộc thăm dò vào tháng 4 của Somoto cho thấy, 33% người Thụy Sĩ ủng hộ việc tham gia Liên minh, cao hơn so với con số 21% trong một nghiên cứu riêng biệt của trường đại học ETH ở Zurich.

Thierry Burkart, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do trung hữu, một phần của liên minh cầm quyền, đã mô tả đang có một "cơn địa chấn" trong cách mọi người cảm nhận về tính trung lập. Ông nói với Reuters: “Trước Ukraine, một số người nghĩ rằng sẽ không bao giờ có một cuộc chiến tranh chính quy nào khác ở châu Âu”, đồng thời cho biết một số người đã ủng hộ việc giải tán quân đội. “Nhưng xung đột Ukraine cho thấy chúng ta không thể tự mãn”. Ông Burkart cho biết ông ủng hộ chi tiêu quân sự cao hơn và mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO, nhưng không phải là thành viên đầy đủ.

Trong khi đó, ông Peter Keller, Tổng thư ký Đảng Nhân dân cực hữu Thụy Sĩ (SVP) nói với Reuters rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO không phù hợp với sự trung lập. SVP cũng là một phần của liên minh cầm quyền và là đảng lớn nhất trong Hạ viện Thụy Sĩ. "Không có lý do gì để thay đổi châm ngôn chính sách đối ngoại thành công này. Nó đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân", ông Keller nói.

Q. ĐẠT