Nga công bố chiến lược địa chính trị

- Thứ Tư, 25/05/2022, 06:25 - Chia sẻ

Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có bài phát biểu trước các học sinh Trường Trung học Evgeny Primakov ở Thủ đô Moscow. Đồng thời tại đây, ông đã công khai chiến lược địa chính trị của Nga, phác thảo các kế hoạch kinh tế và chính trị của Nga, cũng như tương lai của mối quan hệ giữa nước này với phương Tây.

Chú trọng hợp tác với Trung Quốc

Trước những lệnh trừng phạt, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga hiện đang nỗ lực để thay thế hàng hóa nhập khẩu, nguồn cung từ các nước phương Tây để bảo đảm sự phát triển của các lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với an ninh, nền kinh tế hoặc lĩnh vực xã hội của Nga. Ông cho biết, nhằm thiết lập lại mối quan hệ, Nga sẽ xem xét các đề nghị từ phương Tây nhưng sẽ tập trung vào phát triển quan hệ với Trung Quốc.

Nguồn: TASS
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Nguồn: TASS

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ký kết các thỏa thuận dầu và khí đốt mới của Nga với Trung Quốc trị giá hơn 117 tỷ USD trong vòng 30 năm. Thỏa thuận khí này được đánh giá sẽ thúc đẩy nguồn cung cấp khí đốt thêm 10 tỷ mét khối và sẽ được thanh toán bằng đồng euro. Thỏa thuận này là một bước quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt. Khi dự án đạt hết công suất, khối lượng khí đốt của Nga cung cấp cho Trung Quốc qua tuyến Viễn Đông sẽ đạt 48 tỷ mét khối mỗi năm, bao gồm cả việc cung cấp qua đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia. Theo ước tính của Reuters, hợp đồng khí đốt này có thể mang lại khoảng 37,5 tỷ USD trong vòng 25 năm, nếu tính giá khí đốt trung bình là 150 USD/1.000m3 như mức giá trong hợp đồng hiện nay giữa Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga với Trung Quốc.

Trong khi đó, mới đây, Trung Quốc đã đàm phán mua dầu mỏ của Nga để tăng dự trữ chiến lược và dầu thô sẽ được sử dụng để cung cấp cho các kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Trung Quốc. Những cuộc đàm phán giữa hai bên đang được tiến hành ở cấp chính phủ với rất ít sự tham gia trực tiếp của các công ty dầu mỏ. Nga là nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước châu Á và Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.

Trong bài phát biểu của mình trước học sinh Trường Trung học Evgeny Primakov, Ngoại trưởng Nga đã công bố kế hoạch kinh tế và chính trị của Nga và tương lai của mối quan hệ giữa nước này với phương Tây, và đặc biệt kỳ vọng vào sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Hơn nữa, Nga cũng có ý định xây dựng quan hệ với các nước trung lập và sẽ có quyết định về cách thức và thời điểm đối phó với phương Tây hợp lý. Bên cạnh việc Trung Quốc sẽ mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngân khố, việc tăng cường hợp tác sẽ cho Nga có nhiều cơ hội thực hiện các kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông và Đông Siberia, do phần lớn các dự án với Trung Quốc đều tập trung ở đó. Đây là cơ hội để Nga nhận ra tiềm năng của mình trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm năng lượng hạt nhân, và cả trong một số lĩnh vực khác.

Hiện nay, Trung Quốc có công nghệ thông tin và truyền thông rất phát triển và sẽ bảo đảm được lợi ích chung của hai quốc gia. Nga sẽ không chỉ thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu, mà còn phải ngừng phụ thuộc vào bất cứ nguồn cung cấp gì từ phương Tây và bằng mọi cách. Hơn nữa, ông cũng nhấn mạnh rằng, Nga sẽ dựa vào khả năng của chính mình để làm được điều đó và hợp tác với những quốc gia đã thể hiện những hành động độc lập của họ.

Về tình hình hỗn loạn đang diễn ra ở Ukraine, Nga đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng Donbass bằng cách để Kiev thực hiện Nghị định thư Minsk, dựa trên những lợi ích cơ bản, hoàn toàn hợp pháp của mình.

Quan hệ đối tác bình đẳng

Ngoài việc cung cấp dầu và khí đốt cho Trung Quốc, hai nước đang đầu tư mạnh mẽ vào khai thác, chế biến khoáng sản, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và năng lượng. Nga đang giúp xây dựng 4 lò phản ứng mới tại các nhà máy điện của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh và Moscow cũng đang tìm hiểu các quan hệ đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y học và khám phá không gian, bao gồm hệ thống định vị và một trạm nghiên cứu trên mặt trăng.

Việc khởi động lại chuỗi cung ứng cũng được quan tâm hàng đầu. Cụ thể, Trung Quốc đã triển khai sản xuất tại địa phương vaccine Sputnik V và Sputnik Light do Nga phát triển, đồng thời cung cấp cho Nga thiết bị bảo vệ để đối phó với đại dịch. Và để khắc phục hậu quả kinh tế của đại dịch, Trung Quốc và Nga ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch và không phân biệt đối xử dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và khởi động lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Kể từ hồi tháng 3.2020, Nga đã ủng hộ các hành lang thương mại xanh có thể bỏ qua bất kỳ lệnh trừng phạt nào hoặc các rào cản chính trị và hành chính.

Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, mối quan hệ của Nga với Trung Quốc dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau chứ không phải ý thức hệ. Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga trên trường quốc tế và hai vị lãnh đạo đều có những quan điểm giống nhau về việc giải quyết các vấn đề của thế giới. Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, quan hệ đối tác giữa hai nước là bền vững, có giá trị về bản chất, không bị ảnh hưởng bởi môi trường chính trị, cũng như không chống lại bất kỳ ai. Mối quan hệ được củng cố bằng sự tôn trọng, tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Như Ý