8 tỷ người và nỗi lo an ninh lương thực

- Thứ Năm, 01/12/2022, 06:06 - Chia sẻ

Liên Hợp Quốc mới đây đã chính thức tuyên bố, dân số toàn cầu đã đạt 8 tỷ người, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về sự khan hiếm lương thực và giá cả trên toàn thế giới. 

Nguồn: ABC News
Nguồn: ABC News

Khi mật độ dân số ngày càng cao, nhiều câu hỏi đã được đặt ra liệu Trái đất có đủ nguồn tài nguyên để nuôi sống được 8 tỷ người hay thậm chí 10 tỷ người trên hành tinh này hay không? Và chắc chắn dân số thế giới sẽ còn tăng mạnh từ nay đến cuối thế kỷ XXI. Vậy đâu là những thách thức thế giới đang phải đối mặt và cần làm gì để thay đổi?

Thảm họa lương thực ngày một hiện hữu 
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), kể từ năm 2019, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực đáng kể đã tăng từ 135 triệu lên 345 triệu người. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã cảnh báo, thế giới đang trên đường tiến tới một thảm họa lương thực hoành hành và người dân ở đang phải đối mặt với nạn đói. Dân số toàn cầu đã tăng chậm kể từ những năm 1950, giảm xuống dưới 1% vào năm 2020. Các dự đoán mới nhất của LHQ cho thấy, dân số toàn cầu có thể đạt 8,5 tỷ vào năm 2030 và 9,7 tỷ vào năm 2050. Con số này được dự đoán sẽ đạt mức cao nhất vào khoảng 10,4 tỷ trong những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.
LHQ dự báo, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào những năm tới. Theo Cơ quan Lương thực của LHQ và Tổ chức Nông nghiệp, thế giới sản xuất đủ lương thực hàng năm, khoảng 4 tỷ tấn để nuôi sống tất cả mọi người, nhưng khoảng 1/3 tổng lượng lương thực được sản xuất, khoảng 1,3 tỷ tấn trái cây, rau, sữa và thịt bị lãng phí. Các chuyên gia cho rằng, các phần khác của vấn đề mất an ninh lương thực đang gia tăng là giá lương thực tăng cao và tình trạng suy dinh dưỡng, gây bất lợi nhất cho phụ nữ và trẻ em.
Theo ABC News, giám đốc điều hành của Diễn đàn vi chất dinh dưỡng và đồng điều phối viên của Standing Together Saskia Osendarp cho biết: “khi bạn nhìn vào cuộc khủng hoảng giá lương thực, đặc biệt là những loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất mà những đứa trẻ cần là đắt nhất. Nếu phụ nữ và trẻ em không đủ khả năng hoặc không được tiếp cận với các loại thực phẩm giàu vitamin, tốt cho sức khỏe hơn, họ có nguy cơ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Hơn nữa, khi giá lương thực tăng, các hộ gia đình chuyển sang các loại thực phẩm thiết yếu và thực phẩm chế biến rẻ hơn thay vì mua các loại thực phẩm bổ dưỡng hơn - và thường đắt hơn - như trái cây, rau, sữa, thịt, làm giảm chất lượng chế độ ăn uống của họ".
Một báo cáo từ tạp chí Lancet Global Health cho thấy, khoảng 1/2 trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và 2/3 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên toàn cầu bị thiếu ít nhất một vi chất dinh dưỡng. Bà Saskia Osendarp cho biết thêm, suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em. Đó chính là những "cơn đói tiềm ẩn" dù không nhận thấy nó ngay lập tức, nhưng nó có những tác động tàn phá đối với sự sống còn, khả năng miễn dịch, sức khỏe và phát triển tổng thể của trẻ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh rằng, nếu các nhà lãnh đạo thế giới không có một kế hoạch hành động có tổ chức, thì các vấn đề về khả năng chi trả trong năm nay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực vào năm 2023. Theo LHQ, tình trạng mất an ninh lương thực ở khu vực châu Phi cận Sahara ở mức 66,2%, cao nhất thế giới. Hơn nữa, hơn một nửa số người suy dinh dưỡng trên thế giới sống ở châu Á và hơn 1/3 sống ở châu Phi, với tình hình ngày càng tồi tệ vì đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Theo báo cáo được cập nhật hồi tháng 10.2022 của Tổ chức Nông lương LHQ về tình trạng an ninh thực phẩm và dinh dưỡng toàn cầu - SOFI 2022, đủ ăn ngày hai bữa đang trở thành một "nhu cầu cấp thiết" đối với 50% dân cư ở châu Phi, đối với 10% nhân loại.

Cần thay đổi cách sống và cách tiêu thụ tài nguyên 
Chuyên gia kinh tế nghiên cứu về nông nghiệp Ollo Sib thuộc Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho biết, tại Sahel - phía Nam sa mạc Sahara, và khu vực Sừng châu Phi, nơi 12 trên tổng số 50 triệu người không đủ ăn. Hạn hán, thiên tai chỉ giải thích một phần thảm họa này. Các tuyến đường vận chuyển lương thực, thực phẩm thường xuyên bị gián đoạn; châu Phi cũng là nơi còn thiếu cơ sở hạ tầng, mất nhiều thời gian vận chuyển nông phẩm từ làng quê lên thành phố… Giáo sư Sylvie Brunel, đại học Sorbonne cho rằng, nếu tháo gỡ được những nút thắt này, châu Phi sẽ bớt lệ thuộc vào lương thực nhập khẩu từ các châu lục khác; châu Phi là khu vực có tiềm năng, và dư sức xuất khẩu ra thế giới. Đây là nơi đất canh tác còn chưa được khai thác hết và châu lục này có một nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khi một nền kinh tế bắt đầu trỗi dậy, dân chúng có khuynh hướng bỏ làng quê lên thành phố sinh sống. Do vậy châu Phi cần có một nền công nghiệp hiệu quả, có năng suất cao để dù với ít người, nhưng vẫn đủ sức bảo đảm lương thực, thực phẩm cho dân cư của châu lục này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định rằng, chiến sự tại Ukraine chỉ là một khía cạnh của vấn đề về an ninh lương thực. Từ hồi tháng 2.2022 hóa đơn nhập khẩu lương thực của thế giới tăng 10% so với cùng thời kỳ một năm trước đó. Giá phân bón tăng 48%. Các nước trong khu vực hạ Sahara - châu Phi phải cắt giảm khoảng 10% lương thực nhập khẩu và phải thanh toán hóa đơn đắt hơn đến 5 tỷ đô la cho các nhà cung cấp. Các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán hay các đợt nắng nóng dài ngày tại Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu, gây thiệt hại mùa màng. Lũ lụt nhấn chìm 1/3 diện tích Pakistan trong nhiều tuần lễ đẩy hàng trăm ngàn người dân quốc gia Nam Á này vào cảnh thêm khốn khó. 
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, các dự báo của LHQ đều cho thấy dân số toàn cầu sẽ còn tăng thêm đến cuối thế kỷ này. Vấn đề ở đây là liệu rằng Trái đất có đủ nguồn tài nguyên để nuôi sống 8 tỷ hay thậm chí là 10 tỷ người trên hành tinh hay không nếu như chúng ta cứ sống trong những điều kiện như hiện tại? Một số chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng, dân số trên địa cầu chắc chắn sẽ tăng lên tới 10 tỷ, điều đó có được là nhờ tỷ lệ tử vong bị đẩy lùi, nhờ những tiến bộ về y khoa, về khoa học, tuổi thọ của con người tăng lên. Do đó, con người sẽ phải tổ chức lại cuộc sống, rà soát lại cách mà chúng ta tiêu thụ các nguồn tài nguyên. 
Nếu như không lãng phí tài nguyên thì Trái đất này đủ sức nuôi sống đến 15 tỷ người, nhất là nếu nhu cầu thấp như đời sống ở châu Phi hay là ở Ấn Độ. Ngược lại nếu như chúng ta giữ nguyên các thói quen như của dân châu Âu và nhất là dân Mỹ từ cung cách ăn uống, đến mua sắm, từ nhu cầu về điện, nước… thì chắc chắn là không thể phục vụ 10 tỷ người. Nói cách khác, câu trả lời nằm trong cách sống của mỗi cá nhân, vào mức độ mà chúng ta tiêu thụ tài nguyên. 
Đại diện cho tổ chức phi chính phủ CCFD Terre Solidaire chống nghèo - đói Valentin Brossard nhận định thêm, thuần túy xét từ khía cạnh sản xuất nông phẩm, thì Trái đất có đủ khả năng để nuôi sống thêm 2 hay 3 tỷ người so với hiện nay. Hiện tại ở cấp quốc tế ngành nông nghiệp sản xuất đủ để nuôi sống nhân loại. Trung bình chúng ta bảo đảm cho mỗi đầu người 6.000 calories mỗi ngày - cao gần gấp ba so với tiêu chuẩn về dinh dưỡng của WHO quy định. Vấn đề đặt ra là có những nơi dư thừa lương thực, nơi lại không có đủ để bảo đảm mức dinh dưỡng tối thiểu, chênh lệch đó dẫn tới hiện tượng lãng phí thực phẩm. Có khoảng 25% nông phẩm sản xuất bị lãng phí, 15% được dùng để chế tạo các loại xăng, dầu phục vụ công nghiệp và như vậy là chỉ còn lại có 60% nông phẩm trên thế giới dành để nuôi sống nhân loại.

Như Ý