Việt Nam đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

NHẬT ANH 31/05/2015 08:34

Đây là nhận xét của hầu hết đại biểu về Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo dựa trên chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu của 5 bộ gồm: Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước tiên phong ứng phó với biến đổi khí hậu một cách quyết liệt và đặt mục tiêu dành những nguồn lực lớn cho các hoạt động ứng phó tổng thể. Chính phủ đang nỗ lực hết mình để bảo đảm các nguồn lực đáp ứng được yêu cầu, và được sử dụng một cách hiệu quả, phù hợp với các chính sách, hoạt động và ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu. Chi ngân sách cho ứng phó với biến đổi khí hậu chiếm phần khá lớn, khoảng 18% trong tổng chi ngân sách của các bộ. Điều này thể hiện nỗ lực đang thực hiện giải quyết thách thức biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Cụ thể, chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiếm 73% , trong đó chủ yếu dành cho các dự án đầu tư hệ thống thủy lợi có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, khoảng 7% để phát triển nông thôn và an ninh lương thực, 5% phát triển rừng và 2% cho các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ và xã hội. Tương tự đối với Bộ Giao thông  - Vận tải, chi khoảng 85% tổng ngân sách đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu được Bộ Giao thông - Vận tải chủ yếu dùng cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, chỉ có 7% để chi cho bảo vệ bờ biển và đê kè, gần 9% kinh phí còn lại dành cho thuỷ lợi…

Bộ Tài nguyên và Môi trường dành khoảng 61% tổng chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển khoa học và công nghệ. Trong khi đó, vốn dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công thương không lớn, nhưng ngày càng chú trọng tới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm các dự án tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các cơ sở công cộng. Bộ Xây dựng được đánh giá là có mức chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu thấp nhất trong 5 bộ. Ngân sách chi đầu tư của bộ chỉ dành 22 tỷ đồng cho công tác này trong giai đoạn 4 năm, bao gồm cả vốn cấp cho Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhận xét về bản Báo cáo, Giám đốc chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Louise Chamberlain cho biết, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế ít phát thải khí carbon, và giúp Chính phủ đưa ra những quyết định có lợi cho những người dễ bị tổn thương nhất đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa nhấn mạnh, Báo cáo đã cung cấp thông tin hỗ trợ việc đưa ra quyết sách, đồng thời đưa ra mô hình sử dụng quy trình ngân sách để xác định, lập kế hoạch và theo dõi chi tiêu cho biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng cho ta một cơ sở để tích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào quy trình lựa chọn và thẩm định các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tất cả những yếu tố đó góp phần củng cố công tác lập kế hoạch và huy động nguồn lực phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Chính phủ. Tuy nhiên, để tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh đẩy mạnh cơ chế tài chính thì cũng phải đặt ra mục tiêu rõ ràng. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cho rằng cần lồng ghép biến đổi khí hậu vào ngân sách sẽ nâng cao khả năng thích ứng của Việt Nam đối với những tác động của tình trạng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, giúp các cộng đồng ít bị tổn thương hơn và giải quyết những thách thức về phát thải trong khi Việt Nam tiến bước trên hành trình tiến tới một tương lai xanh hơn, thích ứng tốt hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Việt Nam đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO