Thiếu nguồn lực đầu tư cho hạ tầng liên kết vùng

- Thứ Năm, 11/11/2021, 18:02 - Chia sẻ
Từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Hà Phước Thắng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết kết quả hợp tác, đầu tư liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua, cũng như những định hướng, giải pháp và đề xuất giúp cho việc nâng cao hiệu quả hợp tác của vùng trong năm 2022, giai đoạn năm 2025?
ĐBQH Hà Phước Thắng chất vấn từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Phương)
ĐBQH Hà Phước Thắng chất vấn từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Phương)

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, liên kết vùng là vấn đề lớn mà chúng ta đã đặt ra nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu. Nguyên nhân là do đang thiếu một quy hoạch vùng, thiếu nguồn lực đầu tư cho hạ tầng liên kết vùng, thiếu cơ chế điều phối hợp tác phát triển liên kết vùng. Đây là 3 vấn đề đang thiếu, nhưng hiện nay đang được triển khai.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai tìm các cơ chế, điều tiết liên kết vùng. Bởi, trên thực tế quy hoạch vùng nhưng không có chính quyền vùng, không có ngân sách vùng, các tỉnh, thành phố trong vùng thì tỉnh nào quyết ngân sách tỉnh đó, mà không sử dụng dùng chung được. Việc “góp gạo thổi cơm chung” là rất khó. Ví dụ, các công trình trường học, bệnh viện, tỉnh nào cũng sẵn sàng nhận; nhưng tái sử dụng chất thải… thì các tỉnh không nhận. Trong khi đó, khi quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng ở giữa rất khó xử trong việc làm thế nào để hài hoà, để có cơ sở khoa học, có luận cứ để thuyết phục được các địa phương. Đây là vấn đề mà trong thời gian tới, khi lập quy hoạch vùng với các địa phương, Bộ sẽ trao đổi với các địa phương và trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Về những giải pháp trọng tâm để khôi phục và phát triển kinh tế đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang chịu tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến giờ phút này, Bộ chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, vì đang nghiên cứu chung cho cả nền kinh tế, nhưng chắc chắn phải có một nghiên cứu riêng. Bởi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất quan trọng, đóng góp lớn cho đất nước cả về GDP, thu ngân sách, giải quyết việc làm.

Theo Bộ trưởng, các giải pháp từ phát triển hạ tầng, thu hút lại, đào tạo lại nguồn lao động, thu hút đầu tư… các giải pháp có hỗ trợ từ Trung ương như thế nào, nỗ lực của địa phương ra sao sẽ được nêu trong một chương trình phục hồi riêng cho các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ để có nghiên cứu thật cẩn trọng.

Nhật Phương