Vì sao xe quá tải "lộng hành"?

- Thứ Hai, 12/04/2021, 06:49 - Chia sẻ

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết bảo đảm an toàn giao thông quý I.2021 diễn ra vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, tình trạng ô tô chở quá tải đang tái diễn tại nhiều địa phương, dẫn đến cầu, đường ở nhiều nơi bị xuống cấp. Bởi vậy, đề nghị lực lượng công an chỉ đạo điều tra, xác minh trả lời công luận xem có ai "chống lưng" cho xe quá tải hay không? Có thì xử lý thật nghiêm, không có thì cũng công bố để dư luận đỡ nghi ngờ.

Dẫn chứng về tình trạng xe chở quá tải, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ: Đêm 5.4, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý hàng chục xe bồn chở quá tải trên 50% ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Theo thông tin từ báo chí, vấn nạn này không chỉ mới tái diễn gần đây. Báo chí còn nêu cả việc những xe vi phạm có logo nhận diện riêng, nghi ngờ có "bảo kê", "chống lưng". Dư luận xã hội thì bức xúc bởi nhiều tuyến đường đầu tư cả trăm tỷ, nghìn tỷ xuống cấp trầm trọng chỉ sau một thời gian ngắn, tai nạn cũng từ đó mà tăng lên. Việc chở hàng hóa quá tải trọng cầu, đường chính là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, cần phải xử lý thật nghiêm - Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

Thực tế, tình trạng xe quá tải "lộng hành" xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc. Thế nhưng như nhận định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại và ngày càng gia tăng nhất là tại một số địa phương, nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2020, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định trên cả nước và thanh tra giao thông đã tiến hành kiểm tra 134.588 xe, trong đó 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt hơn 162 tỷ đồng. Tại các cảng biển lớn ở Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đã kiểm soát tình trạng xe chở hàng quá tải ra vào cảng và xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã nhiều lần được chỉ ra. Ví dụ như do lực lượng thanh tra giao thông chỉ kiểm soát tải trọng xe trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương. Do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn rời rạc, vào cuộc thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa cao, lực lượng mỏng. Ngoài ra, còn nguyên nhân nữa là việc kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng chưa được duy trì thường xuyên, liên tục...

Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp như Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường. Các địa phương bố trí lực lượng, duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định. Đặc biệt, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng tại đầu nguồn hàng, cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp, mỏ...

Những giải pháp này là cần thiết, thế nhưng mấu chốt vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Phải trả lời được câu hỏi vì sao chế tài xử lý đã có, các lực lượng chức năng cũng đã quyết liệt nhưng xe quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường, trên phố?

Linh Trang