Vì sao tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn thấp?

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 14:37 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Hai, chiều nay, 23.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo, trong đó có báo cáo về công tác thi hành án. Một trong những nội dung được nhận định trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp được gửi tới Quốc hội về nội dung này là tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn thấp; số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng.
Dân kiện quan, quan không chịu hầu toà, tỷ lệ thi hành án hành chính năm nào cũng thấp là vấn đề đã được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu đi nều lại nhiều năm
Tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn thấp; số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng

Theo Ủy ban Tư pháp, năm 2021 Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong công tác thi hành án hành chính; thực hiện công khai các bản án, quyết định hành chính của tòa án nhân dân (TAND) đã tồn đọng nhiều năm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong công tác này. Trong kỳ báo cáo, đã thi hành xong 455/944 bản án hành chính, tăng 92 bản án, quyết định so với năm 2020.

Bên cạnh những “điểm sáng” trong thi hành án hành chính, Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn nhận định, tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn thấp, chiếm 48,19%. Số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Có thể thấy, trong năm 2019, số việc chưa thi hành xong là 339 việc; năm 2020 là 467 việc; nhưng trong năm 2021 là 489 việc chưa thi hành xong. Còn nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính không tự nguyện thi hành án, TAND phải ra quyết định buộc thi hành. Có 325/944 việc TAND phải ra quyết định buộc thi hành án.

Điều đáng nói là, cơ quan thi hành án dân sự đã kiến nghị xử lý trách nhiệm 67 trường hợp không chấp hành án hành chính, nhưng đến nay các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa xử lý trường hợp nào. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chấp hành không nghiêm trong thi hành án hành chính.

Không phải cho đến kỳ báo cáo năm nay, mới có tỷ lệ thi hành hành chính đạt thấp. Ở kỳ báo cáo trước, tình trạng này cũng đã được nhận định trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp gửi tới Quốc hội Khóa XIV tại Kỳ họp thứ Mười. Theo đó, tỷ lệ thi hành án hành chính trong năm 2020 vẫn đạt thấp, chỉ 43,73%, số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành thì người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND (446/467); còn nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức không tự nguyện thi hành án, dẫn đến việc tòa án phải ra 201 quyết định buộc thi hành; cơ quan thi hành án dân sự ban hành 103 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý theo quy định.

Có thể nói, “nợ đọng” thi hành án hành chính là vấn đề không mới. Việc chưa xử lý trường hợp không thi hành bản án hành chính cũng không phải là hạn chế mới phát sinh. Tồn tại có tính chất nhiệm kỳ này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cử tri và dư luận đặt câu hỏi, vì sao án hành chính thi hành lại đạt tỷ lệ thấp? Vì sao cơ quan thi hành án dân sự đã kiến nghị xử lý trách nhiệm các trường hợp không thi hành án hành chính mà cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa xử lý trường hợp nào? Đây là vướng mắc do quy định pháp luật hay do khâu thực thi của chúng ta chưa nghiêm?

Về nguyên tắc bản án có hiệu lực pháp luật thì buộc đối tượng có nghĩa vụ phải thi hành. Các cá nhân nếu không thi hành án sẽ buộc phải cưỡng chế thi hành. Trong các vụ án hành chính, đối tượng buộc phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND, lẽ ra những đối tượng này phải gương mẫu chấp hành, tuân thủ pháp luật. Tiếc rằng, vẫn còn có đối tượng chây ỳ, cố tình không thi hành án mà vẫn không bị xử lý.

Việc cố tình không thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, việc không xử lý các đối tượng không chấp hành bản án hành chính cho thấy, vẫn còn có tình trạng nể nang né tránh khi xử lý trách nhiệm. Điều này làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Trong Nghị quyết số: 55/2017/QH14, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Nhưng đến nay  vẫn chưa có cá nhân, cơ quan nào bị xử lý vì không thi hành án hành chính.

Theo quy định của Luật tố tụng Hành chính, thời hạn tự nguyện thi hành được xác định kể từ ngày người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của tòa án. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như trên rất khó khăn cho chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự xác định thời điểm hết thời hạn tự nguyện thi hành án để tiếp tục thực hiện các biện pháp theo dõi án hành chính. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, nên nghiên cứu sửa đổi về việc quy định thời hạn tự nguyện đối với thi hành án này. Cùng với đó, cần có cơ chế xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người không chấp hành án hành chính bởi một chế tài đủ mạnh, đủ răn đe. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng “tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn thấp” xuất hiện hàng năm trong mỗi kỳ báo cáo.

Hà An