Vì sao đấu thầu qua mạng tăng trưởng ngoạn mục?

- Thứ Hai, 21/12/2020, 06:38 - Chia sẻ
Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia cho biết, tính đến ngày 16.12, số gói thầu qua mạng chiếm 86,4%, tỷ lệ giá trị gói thầu qua mạng đạt 54,4% - vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao cũng như lộ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư vạch ra. Trong đó, có gói thầu tiết kiệm tới 92%. Bước tiến vượt bậc này góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thông qua đấu thầu.

Có gói thầu tiết kiệm tới 92%

Phương thức đấu thầu qua mạng được triển khai thí điểm từ năm 2009 và chính thức triển khai tại Việt Nam từ năm 2016. Hai năm sau đó, cả nước chỉ có khoảng 18% số gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng, kém xa so với mục tiêu 70% vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Năm 2019, tình hình áp dụng đấu thầu qua mạng bắt đầu nhích lên. Kết thúc năm, số lượng gói thầu qua mạng đạt 34,2%, giá trị gói thầu là 20,8%.

Đầu năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, đặt mục tiêu nâng tỷ lệ về số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng lên 60%, tỷ lệ về giá trị gói thầu lên 25%. Tính đến ngày 16.12.2020, Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia cho biết, có 93.966 gói thầu đấu thầu qua mạng, chiếm 86,4%; giá trị gói thầu qua mạng đạt 291.071 tỷ đồng, chiếm 54,4%.

Đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí
Nguồn: ITN

Với kết quả này, có thể thấy đấu thầu qua mạng đã có một năm bứt phá ngoạn mục, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao cũng như lộ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thông qua đấu thầu.

Cụ thể, dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, trong năm 2020, trên cả 4 lĩnh vực áp dụng đấu thầu qua mạng đều xuất hiện những gói thầu thu hút số lượng lớn nhà thầu tham gia với tỷ lệ tiết kiệm rất ấn tượng. Ở lĩnh vực hàng hóa, có gói thầu tỷ lệ tiết kiệm lên tới 76% (giá thông báo mời 1,9 tỷ đồng, giá trúng thầu 462 triệu đồng, có 5 nhà thầu tham gia). Ở lĩnh vực xây lắp, có gói thầu tiết kiệm được 50% (giá thông báo mời là 2,2 tỷ đồng, giá trúng thầu 1,1 tỷ đồng, có 4 nhà thầu tham gia). Ở lĩnh vực tư vấn, thống kê cho thấy có những gói thầu thu hút nhiều nhà thầu cạnh tranh, với tỷ lệ giảm giá cao nhất lên đến 85% (giá thông báo mời là 1 tỷ đồng, giá trúng thầu 156 triệu đồng; có 12 nhà thầu tham gia). Ở lĩnh vực phi tư vấn, có dự án tiết kiệm đến… 92% (giá thông báo mời là 238 triệu đồng, giá trúng thầu 18 triệu đồng; 7 nhà thầu tham gia).

Sức hút từ lợi ích

Thành tích vượt trội của đấu thầu qua mạng chỉ có thể giải thích là do cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết tâm triển khai đấu thầu qua mạng và phương thức này thực sự mang lại nhiều lợi ích.  

Trong đó, quyết tâm của cơ quan nhà nước thể hiện ở việc hành lang pháp lý cho đấu thầu qua mạng ngày càng được hoàn thiện và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã triển khai nhiều tiện ích cho bên mời thầu, nhà thầu.

Cụ thể, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2020 đã đưa ra các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong việc đăng tải thông tin về đấu thầu... Giới chuyên gia cho rằng, với Thông tư 11, bên mời thầu “hết cửa” ngăn chặn, gây khó dễ khi nhà thầu tiếp cận hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2020 góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các tiêu cực trong đấu thầu, tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư và các nhà thầu.

Cũng trong năm nay, Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia đã có những bước cải tiến lớn trong Hệ thống nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho bên mời thầu, nhà thầu. Ví dụ, bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống; cho phép nhà thầu kê khai dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu qua mạng; mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ; nâng cấp phần mềm cung cấp thông tin đấu thầu trên thiết bị di động.

Nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả của đấu thầu qua mạng, từ ngày 9.12 vừa qua, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia triển khai thêm một tính năng mới nữa. Theo đó, hồ sơ thiết kế là trường thông tin bắt buộc mà bên mời thầu phải đăng tải khi công khai hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp, kể cả đấu thầu qua mạng và không qua mạng.

Theo đánh giá của nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, đấu thầu qua mạng giúp họ tiết kiệm nhiều chi phí hành chính bởi thông tin, văn bản điện tử được công khai miễn phí trên mạng và được công nhận giá trị pháp lý. Không chỉ vậy, đấu thầu qua mạng còn là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu. Bởi lẽ, toàn bộ quy trình đấu thầu từ lúc phát hành thông báo mời thầu đến lúc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu.

Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu cho biết, trong năm 2021 sẽ phối hợp với các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư tiếp tục đôn đốc triển khai đấu thầu qua mạng. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá quá trình triển khai đấu thầu qua mạng; đặc biệt là giám sát chặt chẽ những gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Hà Lan