Vì sao chưa hấp dẫn?

- Thứ Ba, 13/04/2021, 20:12 - Chia sẻ
Dù đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, sở hữu các vị trí đắc địa thế nhưng "miếng bánh" cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đến nay vẫn chưa hấp dẫn các chủ đầu tư.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ quy mô từ 2 - 5 tầng, được xây dựng chủ yếu từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, thậm chí một số còn được xây dựng từ trước năm 1954. Mật độ xây dựng tại hầu hết các chung cư đã tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Hệ thống kỹ thuật cũ nát, đặc biệt là hệ thống cấp nước, thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy...

Với thực tế này, việc cải tạo, xây dựng các chung cư cũ là cần thiết, nhưng vài chục năm qua, chỉ có 1% được cải tạo, sửa chữa. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc này. Thứ nhất là quy định hạn chế chiều cao đối với nhà cao tầng trong các quận nội thành và khu trung tâm thành phố. Khi thực hiện cải tạo, sửa chữa, chủ đầu tư phải tuân thủ quy hoạch chung của thành phố, nhưng để có lợi nhuận thì phải tăng số tầng - tức tăng chiều cao nhưng điều này hiện vẫn khó thực hiện.

Thứ hai là việc đàm phán với người dân. Theo quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP, việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu, trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù nên điều này rất khó thực hiện...

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy chế quản lý nhà cao tầng khu vực nội đô. Theo đó, các dự án cải tạo chung cư cũ sẽ được tăng chiều cao từ 18 - 24 tầng. Tiếp đó, cuối năm 2020, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Thông báo 461/TB-VP kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo UBND thành phố về quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện.

Những "động thái" này của TP Hà Nội là cần thiết, thế nhưng, để có thể giải được bài toán cải tạo chung cư cũ, vấn đề mấu chốt là hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và chính quyền. Bên cạnh đó, phải công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận của người dân.

Trong Đề án tổng thể về cải tạo chung cư cũ tới đây, TP Hà Nội dự kiến phân loại chung cư, tập thể cũ thành 3 nhóm và thiết kế chính sách riêng cho từng nhóm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, nhóm 1 là các khu tập thể với nhiều tòa chung cư, có diện tích từ 2 - 10ha. Nhóm này sẽ nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc bảo đảm cân đối tổng thể toàn khu, đáp ứng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế cho phép.

Nhóm 2 gồm 5 - 7 nhà tập thể cũ thực hiện như mô hình đối với trường hợp diện tích đất nhỏ... Nhóm 3 là tập hợp các chung cư độc lập, đơn lẻ thực hiện theo phương thức quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận; bố trí tái định cư gộp các chung cư cũ đơn lẻ vào một số quỹ đất chung cư cũ hiện có.

 

Ninh Khương