Vì môi trường "xanh - sạch - đẹp" của thủ đô

- Thứ Tư, 09/06/2021, 06:32 - Chia sẻ
Thủ đô Hà Nội vừa trải qua một tuần nắng nóng với nhiệt độ được ghi nhận cao nhất lên tới gần 50 độ C. Đặc biệt vào buổi trưa, quá trình hấp nhiệt và tản nhiệt của bê tông, nhựa đường vào không khí khiến nhiệt độ càng tăng nhanh, oi bức và khó chịu. Với trách nhiệm công việc cao, công nhân thuộc các đơn vị vệ sinh môi trường, thoát nước, cắt tỉa cây xanh… vẫn miệt mài làm việc, bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp cho thủ đô.
Điểm thu gom rác cố định

Điều kiện làm việc khó khăn

Sau mỗi đợt nắng nóng kéo dài sẽ đến những đợt mưa bão, mưa giông liên tục. Chính vì vậy việc triển khai hoạt động khơi thông cống rãnh tại thời điểm nắng nóng để bảo đảm hiệu quả việc vận hành thông suốt của hệ thống thoát nước là rất cần thiết. Đây là một trong những khó khăn của đội ngũ công nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bởi phía dưới hệ thống cống rãnh chứa rất nhiều rác thải đang trong giai đoạn phân hủy, không gian chật chội, bí bách, oi bức ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và hiệu quả công việc. Thời gian thực hiện được phân bố hợp lý, đội ngũ công nhân được chia thành các ca làm từ sáng sớm đến trưa nghỉ, chiều tối muộn mới tiếp tục làm, tránh thực hiện nhiệm vụ vào giờ cao điểm, tan tầm, ảnh hưởng tới giao thông đô thị.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Thắng - Xí nghiệp Thi công cơ giới, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: “dù nguy hiểm, vất vả nhưng trên vai chúng tôi là trách nhiệm của ngành thoát nước thành phố với người dân thủ đô”.

Còn với đội ngũ công nhân thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại các khu vực trong nội thành Hà Nội dường như đã trở thành thói quen, dù vất vả, nắng nóng nhưng vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc. Vì đặc thù ngành nghề khiến nhiều công nhân không có nhiều thời gian ở cạnh gia đình, việc thu gom và phân loại diễn ra liên tục, đặc biệt tại các quận nội thành với diện tích nhỏ, mật độ dân cư đông, số lượng rác thải lớn, tập trung tại một số địa điểm cố định.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ Vệ sinh môi trường trên tuyến Đại lộ Thăng Long cho biết, ở tuyến Đại lộ Thăng Long này, nắng nóng bình thường cũng khiến mặt đường chẳng khác gì một cái lò than hồng, đỏ rực. Song, do đã gắn bó với nghề, tiếp xúc với đủ loại thời tiết khắc nghiệt nên da dẻ và cơ thể dường như cũng đã quen.

“Khi mới vào nghề, đối diện với thời tiết như này nhiều công nhân đã bị say nắng, ốm nằm bệt mấy hôm, nhưng công việc là công việc, không thể dừng được… chúng tôi phải cố gồng mình, vượt qua những thử thách của thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ” - ông Sơn nói.

Bất cập trong ý thức bảo vệ môi trường

Với xấp xỉ 8 triệu dân, Hà Nội là đô thị lớn thứ nhì cả nước, chính vì vậy lượng rác thải nói chung (rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp, rác thải độc hại…) thải ra môi trường ngày càng lớn và ngày càng tăng (theo số liệu của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp IRD công bố, trung bình người dân thành phố xả ra khoảng 6.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày chưa kể các loại rác thải khác). 

Lượng rác thải xả ra mỗi ngày lớn như vậy, thế nhưng hiện Hà Nội chỉ có 2 bãi xử lý rác chính là bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì) và cả 2 bãi rác này đều đang bị quá tải khi số lượng rác thải tăng lên quá nhanh. Việc Nhà máy đốt rác Thiên Ý (Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn) đang gấp rút tiến hành thi công, hoàn thiện các hạng mục để đưa vào vận hành trong năm 2021 khiến quá trình xử lý rác thải của thành phố tiếp tục trở thành vấn đề được người dân thủ đô quan tâm.

Công nhân vệ sinh cống ngầm

Bên cạnh vấn đề về các khu xử lý rác thải, ý thức người dân cũng là yếu tố quan trọng trong hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường. Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường là tập quán xả rác bừa bãi, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao. Những hành vi xả rác tùy tiện có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, bất chấp nỗ lực tuyên truyền của các đơn vị vệ sinh môi trường.

Theo các công nhân vệ sinh môi trường của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) chia sẻ: “rác thải được thu gom theo xe, theo túi, nhưng chỉ một lát là người dân lại đổ rác lung tung, tràn ra ngoài. Dù anh chị em công nhân đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chỉ được một lúc, vừa dọn xong quay lại, lại đâu vào đấy”. Đội ngũ công nhân vệ sinh gặp khó khăn rất lớn bởi ý thức của người dân chưa cao, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xử lý rác thải của thành phố.

Triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường

Có thể nhận thấy, trên một vài con phố đã xuất hiện những điểm người dân mang rác đến các điểm định sẵn để đổi quà, hoặc mang túi nhựa, sắt, giấy đến các điểm thu gom rác tái chế. Thu đổi rác tái chế lấy quà tặng là một trong những hoạt động nằm trong dự án "Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội" do Urenco phối hợp với các đơn vị triển khai từ tháng 8.2020. “Ý nghĩa lớn lao của chương trình là nhằm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, tùy tiện, nâng cao ý thức phân loại rác bảo vệ môi trường trong mỗi người dân”, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm (Urenco) nói về việc lợi ích lâu dài khi người dân có ý thức bảo vệ môi trường.

Dù đã triển khai hệ thống các phương tiện cơ giới hiện đại vừa quét vừa hút rác, hút bụi trên đường phố được người dân đánh giá cao, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, dọn sạch, xử lý đạt tiêu chuẩn xấp xỉ 100% ở khu vực đô thị và 90% ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực quan trọng là đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng hay mưa giông thường xuyên, vẫn phải làm việc theo ca và chia thành từng tổ, bảo đảm hoàn thành công việc vào 16h hàng ngày, đáp ứng yêu cầu công việc, giữ gìn môi trường, cảnh quan thủ đô.

Làm việc trong môi trường khó khăn, dễ xảy ra tai nạn lao động nên công nhân thuộc các đơn vị vệ sinh môi trường, thoát nước, cắt tỉa cây xanh… ngoài việc đều được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động còn thường xuyên được phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các biện pháp an toàn lao động và chống say nắng. Đời sống nhân viên được các nhà lãnh đạo các công ty quan tâm, hỗ trợ cũng như tặng quà, bồi dưỡng thêm cho người lao động nhằm khích lệ, động viên người lao động cố gắng thực hiện nhiệm vụ, giữ gìn môi trường thủ đô văn minh, sạch đẹp.

Anh Lương