Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động

Vì môi trường lao động an toàn

- Chủ Nhật, 16/05/2021, 07:39 - Chia sẻ
Với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2021 triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tăng cường sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn và đội ngũ an toàn và vệ sinh viên. Mục tiêu cao nhất nhằm bảo đảm môi trường lao động an toàn cho người lao động.

Tai nạn lao động giảm dần

Được sự quan tâm của các cấp công đoàn, người sử dụng lao động, môi trường làm việc cho người lao động cơ bản được an toàn. Tỷ lệ tai nạn lao động đang giảm dần qua các năm.

Cùng với phát triển đất nước, mục tiêu xuyên suốt là chú trọng yếu tố con người, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, những năm qua điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động từng bước được cải thiện, tần suất tai nạn lao động đã giảm dần. Tuy nhiên, hàng năm vẫn còn hàng vạn người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2020, toàn quốc xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động, làm 8.610 người bị nạn, 966 người chết. So với năm 2019, tình hình tai nạn lao động năm 2020 giảm ở chỉ số tai nạn lao động chết người và số vụ có 2 người bị thương nặng trở lên, cụ thể: Tai nạn lao động chết người giảm 0,87% số vụ (919 vụ, giảm 8 vụ), giảm 1,34% số người chết (13 người); giảm 31,53% số vụ tai nạn lao động có từ 2 người bị nạn trở lên (35 vụ).

Đáng chú ý, tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 18,31% (290 vụ, giảm 65 vụ), số người chết giảm 17,34% (305 người, giảm 64 người), số người bị thương nặng giảm 6,57% (280 người, giảm 20 người). Đây là năm thứ 2 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm. Theo thống kê, tổng thiệt hại do tai nạn lao động trên 6.000 tỷ đồng và hơn 150.000 ngày công.

tp hcm 29 vu tai nan lao dong trong 6 thang dau nam 2020
Hiện trường một vụ tai nạn lao động tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh: CAND

Không chỉ giảm về tỷ lệ người chết vì tai nạn lao động, năm 2020, điều kiện lao động cũng được cải thiện đáng kể. Trong tổng số mẫu quan trắc môi trường là 899.905 mẫu, có 52.313 mẫu không đạt quy chuẩn vệ sinh lao động. Số liệu này giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Để xảy ra tai nạn lao động là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

“Người lao động đi làm phải được an toàn”

Tiếp nối thành công của những năm trước đó, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 31.5.2021 với nhiều hoạt động thiết thực như phong trào thi đua “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”. Ngoài ra, trong Tháng hành động, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Công đoàn cấp cơ sở đã tới thăm nạn nhân lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động.

Để chia sẻ với người lao động, vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã đến thăm và tặng quà đoàn viên bị tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đó là ông Nguyễn Văn Huấn (sinh năm 1962, trú khu phố 4, phường Phước Mỹ, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) công tác tại Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, bị tai nạn tại nơi làm việc. Đồng thời, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đến thăm chị Lê Thị Như Bông (sinh năm 1980, trú phường Mỹ Hải, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) là công nhân Công ty cổ phần Công trình đô thị Ninh Thuận. Tháng 9.2020 bị tai nạn lao động với tỉ lệ thương tật 50%.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, 10 năm qua, Tháng Công nhân, Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động, tổ chức Công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực dành cho đoàn viên, công nhân lao động. Trong đó, công tác thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động được tổ chức thường niên.

Ảnh: Phương Linh
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao phần quà hỗ trợ công nhân bị tai nạn lao động cho chị Lê Thị Như Bông. Ảnh: Phương Linh - laodong.vn)

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu các cấp Công đoàn phải quan tâm đoàn viên, người lao động sau tai nạn lao động bằng hình thức phù hợp trong Tháng Công nhân năm 2021 để san sẻ bớt khó khăn, mất mát, tiếp thêm sức mạnh để người lao động, gia đình nỗ lực vươn lên. Đây không chỉ là sự quan tâm của tổ chức với đoàn viên, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện, nâng cao hơn nữa môi trường lao động an toàn cho người lao động”, ông Khang nói.

Nhiều nơi rất quan tâm đến người lao động như tăng tiền ăn ca… Đây là điều quan trọng. Nhưng đầu tiên, người lao động đi làm là phải được an toàn. An toàn không chỉ trước mắt, mà môi trường làm việc an toàn còn đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho người lao động, sau khi về hưu, người lao động vẫn phải còn khoẻ.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Cùng với hoạt động thăm hỏi, chia sẻ đau thương, mất mát với người bị tai nạn lao động, để bảo đảm môi trường lao động an toàn hơn, thời gian qua, Tổng Liên đoàn yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ. Trong đó, tập trung vào một số ngành nghề lĩnh vực có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ như: xây dựng, khai khoáng, hóa chất, điện hàn cắt; việc kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động…

Trong những ngày qua, đợt dịch Covid -19 lần thứ tư đã trở lại, nhiều địa phương, bệnh viện đã bị lây nhiễm. Trong đó có Bệnh viện K Tân Triều - nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân có bệnh nền phức tạp. Trước tình hình này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cùng với Công đoàn Bộ Y tế đã kịp thời thăm hỏi, chia sẻ động viên để đội ngũ y bác sỹ bệnh viện yên tâm, vững tin hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Dù chỉ là rất nhỏ nhưng sự quan tâm của lãnh đạo Tổng Liên đoàn, của các tổ chức công đoàn tới người lao động, các đơn vị sử dụng lao động là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn để người lao động vượt qua khó khăn, đồng lòng chống dịch.

Điều đó cho thấy, tổ chức công đoàn luôn là “điểm tựa” tinh thần cho người lao động. Nhấn mạnh vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong thời gian tới, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ngày càng nặng nề hơn, trong đó có  công tác tham gia vào vấn đề ATVSLĐ.

Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang gặp những khó khăn do dịch bệnh Covid -19, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng hiện hữu, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác ATVSLĐ tại địa phương, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động. Cùng với đó, người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình.

Hà An