Vẹn nguyên giá trị Tết

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:50 - Chia sẻ
Đã đến cái Tết thứ 3 thời Covid-19, nhiều thói quen cũ dường như không còn, mọi người đang cố gắng thích nghi với trạng thái bình thường mới. Những hoạt động như chơi chợ hoa, lễ đền chùa, đến nhà chúc tụng nhau... không thể hoặc bị hạn chế, nhưng vẫn còn những giá trị vẹn nguyên.

Tết thời dịch bệnh
Truyền thống Tết với những thói quen mặc định trong nhiều năm nay đã gặp phải chất vấn và phản biện về tính thiết thực cũng như giá trị văn hóa. Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động thường diễn ra trong dịp Tết đã thay đổi, và vấn đề này lại được đặt ra. Trong cuộc khảo sát của Book Hunter, hơn 50% người tham gia cho rằng, dịch bệnh khiến Tết không còn như xưa.

Dù dịch bệnh làm thay đổi nhiều thói quen, Tết vẫn vẹn nguyên giá trị
Nguồn: chudu24.com

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Hải, chúng ta đã thấm thía những gì mà Covid-19 mang lại. Điều được quan tâm nhất tại thời điểm này là những gì liên quan đến Tết. Bình thường mọi người nhộn nhịp đi chơi, mua sắm, không khí đón xuân tăng dần nhịp độ ngày tháng cận Tết. Nhưng nay đã khác. Truyền thống bình thường vẫn có sự thay đổi, chỉ có điều dịch bệnh khiến mọi người phải thay đổi nhiều hơn. Hiện nay, đi chợ Tết, du xuân là cái gì đó xa xỉ; một số người có thói quen đi du lịch nước ngoài dịp Tết cũng không thể duy trì. 

Nhưng dù có nhiều thay đổi, Tết vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất và ý nghĩa nhất của người Việt. Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để mọi người hướng về nguồn cội, gia đình, cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc. Bởi vậy, một số hoạt động vẫn được duy trì, đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nghi lễ cúng ông Công ông Táo, dọn dẹp trang trí nhà cửa đón Tết, mừng tuổi... Đây là phong tục tập quán, tín ngưỡng lâu đời, đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, trở thành nét đẹp văn hóa trường tồn, bất biến, làm nên ý nghĩa của Tết. 

“Có thể phải ở trong nhà nhưng các gia đình vẫn có hoạt động mang đến không khí, cảm giác đón Tết cho mọi người. Gia đình giàu hay nghèo, việc chuẩn bị cho thời khắc đón năm mới vẫn mang lại niềm vui. Đôi khi bị bó buộc trong nhà giúp chúng ta nhận ra những điều trước đó không thấy” - PGS.TS. Đinh Hồng Hải chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến trên, nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng cú sốc lớn như dịch bệnh sẽ đánh vào tâm thức, thói quen sinh hoạt hàng ngày. Truyền thống tốt đẹp sẽ không thay đổi mà thường chỉ thay đổi những gì gây hại trong một thời điểm nào đó, hoặc những nguy cơ mà đến giờ chúng ta mới nhận thức được như đốt pháo từng đi vào thơ ca, tranh Tết... nhưng nhiều người bị thương do pháo, nên ngày nay đã không còn. Dịch bệnh, việc chúc Tết, đi chơi Tết, tụ tập đông người mang rủi ro cao, nên được tiết giảm...

Tuy nhiên, nhu cầu gắn kết tình cảm là không thể thiếu trong ngày Tết. Thay vì trực tiếp thăm hỏi, tặng quà và chúc Tết họ hàng, người thân, gặp gỡ bạn bè... nhiều người cho biết đã quyết định chuyển sang phương thức kết nối trực tuyến; dùng các dịch vụ vận chuyển, giao hàng Tết tận nhà; thậm chí lì xì online...

Vẹn nguyên giá trị Tết
Tùy thuộc không gian, thời gian, cuộc sống của con người, văn hóa sẽ phải thay đổi, thích nghi cho phù hợp. Bên cạnh tác động tiêu cực, dịch bệnh cũng giúp mọi người chiêm nghiệm bản thân, gia đình, mà trước đó do đời sống công nghiệp quá gấp, người ta thường bỏ qua. 
Khi có nhiều thời gian rảnh rỗi, con người thường có những hoạt động trở về với bản thân, gắn kết gia đình. Theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, “Tết xưa mang tính ngày lễ mùa, nghỉ ngơi chuẩn bị cho mùa mới. Trong tâm thức của tôi, Tết là ngày nghỉ, là khoảng thời gian rất hạnh phúc. Dịch bệnh đưa không gian bên ngoài vào không gian tại gia. Nhiều người thường coi Tết với nhiều công việc phải làm. Tôi mong trong tương lai Tết thành khoảng không gian dành cho cá nhân nhiều hơn”. 
Thực tế, quan điểm muốn gộp Tết ta và Tết Tây, bỏ Tết cũ để chuyển sang Tết mới đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trong thời gian dài, đến nay vẫn chưa chấm dứt. Các chuyên gia cho rằng, nhìn sang các nước phương Tây, thời gian nghỉ Tết cũng không ngắn. Nhật Bản đã gộp Tết truyền thống với Tết Tây, song nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi bỏ Tết truyền thống thì cũng xuất hiện nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần của con người...
“Tết đánh dấu sự chuyển giao năm cũ qua năm mới, là cái trời ban cho. Đó là thời khắc thiêng liêng, người người gác lại mọi âu lo, mọi mệt nhọc của năm cũ để sẵn sàng tinh thần cho những điều tốt đẹp trong năm mới. Càng gần Tết bao nhiêu, chúng ta càng thấy không khí xuân đến gần, mọi người hân hoan háo hức. Nếu bỏ Tết là giết chết một giá trị truyền thống không bao giờ lấy lại được. Cũng không phải nghỉ vài ngày mà thất thu, làm quốc gia nghèo hơn. Nếu biết cách tận dụng ngày Tết Việt Nam như mùa du lịch, tăng tiêu thụ hàng hóa... sẽ giúp tăng thu nhập quốc gia” - PGS. TS. Đinh Hồng Hải khẳng định.

Ngọc Phương